Còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết, như mọi năm, đây là thời điểm thị trường vé máy bay Tết “sốt” nhất. Tuy nhiên, năm nay, dù giảm giá vé nhưng vẫn "ế" khách.
Giá vé giảm phân nửa
Mọi năm, chặng TP. HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines luôn có mức giá cao, từ 5 - 7 triệu đồng/vé (loại khứ hồi). Song năm nay, giá vé đã giảm chỉ còn phân nửa với khoảng 3 – 3,5 triệu đồng/vé (khứ hồi). Với vé hạng thương gia, giá cũng chỉ dao động ở mức 5 - 6 triệu đồng/vé/chiều. Tương tự, vé máy bay của Vietjet Air cũng khá “mềm”. Cụ thể, một vé khứ hồi chặng TP. HCM - Hà Nội có giá khoảng 3 triệu đồng. Hạng vé Eco của Vietjet có giá thấp nhất là 1,06 triệu đồng/vé, thậm chí sát ngày bay 29 Tết nhưng giá chỉ 1,4 triệu đồng/vé.
Cũng trên chặng TP. HCM - Hà Nội, giá vé máy bay của Bamboo Airways khoảng 4,4 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi hạng phổ thông. Giá vé của Vietravel Airlines cũng hạ giá dưới 1,5 triệu đồng/vé/chặng cho đường bay trên. Nếu lựa chọn chặng bay TP. HCM – Đà Nẵng, giá vé trung bình từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/chiều/vé.
Lý giải cho việc giá vé máy bay Tết Nhâm Dần 2022 rẻ hơn so với mọi năm, đại diện một hãng bay cho rằng, nguyên nhân do lượng khách đặt vé chưa cao bởi nhiều người vẫn còn chưa “chốt” được kế hoạch nghỉ Tết. Hãng này hi vọng từ giờ đến Tết Nguyên đán, nhất là thời điểm cận Tết, tỉ lệ khách đặt vé sẽ tăng lên khi xu hướng khách đặt vé sát ngày bay ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, với tình hình hiện tại thì gần như chắc chắn lượng vé máy bay bán ra dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ thấp hơn so với mọi năm, thậm chí là thấp hơn cả Tết Tân Sửu 2021.
Chuyên gia dự báo, với tình hình hiện nay thì cũng không hi vọng lượng vé bán trong thời gian còn lại sẽ có sự đột biến nào. Cũng theo chuyên gia này, khi xây dựng phương án vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các hãng hàng không đã để mức độ tương đương với dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nhưng nhiều khả năng điều đó sẽ khó thành hiện thực.
Chuyên gia cũng nhận định: Dù năm ngoái cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng cao điểm Tết vẫn có khoảng 20 nghìn chuyến bay với hơn 3,6 triệu ghế được cung ứng. Năm nay các hãng hàng không cũng xây dựng phương án vận chuyển với mức độ tương tự song nhu cầu thực tế sẽ khó đạt được như năm 2021.
Thói quen đi lại của người dân đã thay đổi
Dịch bệnh COVID-19 đang và đang thực sự làm thay đổi thói quen di chuyển vào dịp lễ, Tết của người dân. Chỉ vài tháng trước, khi đường bay nội địa vẫn chưa được nối lại, nhiều người đã nói về nhu cầu đi lại trong nước bằng máy bay đang rất bức thiết. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, tất cả các loại hình vận tải hành khách đều bị ngưng trệ thì việc đi lại trở thành nhu cầu bức thiết.
Tuy nhiên, khi các đường bay nội địa được nối lại, cộng với việc nhiều loại hình vận tải hành khách khác cũng được khôi phục đã đáp ứng kịp thời cho việc đi lại của người dân vào dịp cuối năm, lúc đó người dân có những cân nhắc lựa chọn. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 lúc này, nhất là mối đe dọa từ biến chúng Omicron, nhiều người đã quyết định thay đổi kế hoạch đón Tết bằng cách hạn chế đi lại, ăn Tết tại chỗ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như người nhà ở quê.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các để tránh việc thừa tải cung ứng cũng như lãng phí nguồn lực của các hãng hàng không, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, bước đầu, việc cung ứng trong giai đoạn này sẽ ở mức 70 - 75% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nếu đường bay nào có hệ số sử dụng ghế trên 70% hoặc có lượng đặt chỗ cao (trên 50%) sẽ tăng thêm tải cung ứng để đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Vé máy bay dịp Tết nguyên đán 2025 cao nhất 3,7 triệu, nhiều chặng bay hết chỗ
Sacombank (STB) chơi lớn: Tặng 6.000 vé máy bay thương gia và tiền vàng dịp sinh nhật 33 tuổi