Doanh nghiệp

Giá vé xe buýt được điều chỉnh tăng mạnh 122% sau 10 năm, Sở Giao thông Vận tải lên tiếng

Chi Hạ 11/10/2024 - 07:44

Sở Giao thông Vận tải đánh giá, việc áp dụng mức giá vé xe buýt từ năm 2014 đã không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn kể từ ngày 1/11.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá vé, Sở Giao thông Vận tải cho biết, từ năm 2014 đến nay, thành phố chưa thực hiện bất kỳ đợt điều chỉnh giá vé nào. Điều này dẫn đến việc giá vé hiện tại đang thấp so với mức thu nhập trung bình của người dân.

Giá vé xe buýt hiện nay được đánh giá là tương đối thấp so với khả năng chi trả của người dân, kể cả người lao động có thu nhập thấp. Theo đó, từ năm 2014, mặt bằng thu nhập của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể. Mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng 7 lần, từ 1,15 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 103% so với 10 năm trước).

Trong khi đó, chi phí cho hoạt động vận tải công cộng như giá nhiên liệu, tiền lương và các yếu tố đầu vào khác đã tăng đáng kể. Tính đến nay, chi phí cho hoạt động xe buýt đã tăng khoảng 50% so với năm 2014.

Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải, cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ năm 2014 cũng không còn phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến.

Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới xe buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9 km. Sau 10 năm, mạng lưới xe buýt đã có 132 tuyến trợ giá, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05 km. Các tuyến cự ly 30-60km có mức giá như nhau là chưa hợp lý.

>> Miễn phí xe buýt 2 tầng nhân Ngày Giải phóng Thủ đô

Giá vé xe buýt chính thức tăng từ 1/11
Giá vé xe buýt chính thức tăng từ 1/11

Với hai lý do trên, Sở Giao thông Vận tải đánh giá, việc áp dụng mức giá vé xe buýt từ năm 10 năm trước đã không còn phù hợp.

Việc điều chỉnh giá vé là một giải pháp cấp thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực vận tải công cộng. Điều này cũng giúp tăng thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo chi phí trợ giá cho xe buýt ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Chi phí trợ giá cho xe buýt từ nguồn ngân sách Hà Nội đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Giai đoạn 2015-2019, ngân sách thành phố trợ giá xe buýt trung bình 1.370 tỷ đồng/năm. Đến năm 2023, chi phí này lên đến 2.750 tỷ đồng.

>> TP. HCM quyết chống độc quyền xe buýt du lịch 2 tầng, yêu cầu cạnh tranh công bằng

Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, giá vé mới được điều chỉnh tăng đáng kể. Cụ thể, đối với vé lượt, giá vé sau điều chỉnh tăng từ 14% đến 122%, tùy theo cự ly. Mức tăng cao nhất là 11.000 đồng cho cự ly trên 40km, trong khi mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng cho cự ly dưới 15km.

Giá vé xe buýt được điều chỉnh tăng mạnh 122% sau 10 năm, Sở Giao thông Vận tải lên tiếng
Giá vé lượt mới

Đối với vé tháng, giá vé tăng từ 27% đến 43%. Mức tăng cao nhất thuộc về nhóm đối tượng không ưu tiên, trong khi giá vé của các đối tượng ưu tiên được điều chỉnh tăng thấp hơn.

Giá vé xe buýt được điều chỉnh tăng mạnh 122% sau 10 năm, Sở Giao thông Vận tải lên tiếng
Giá vé tháng mới

Các đối tượng như người có công, người cao tuổi (trên 60 tuổi), trẻ em dưới 6 tuổi và nhân khẩu thuộc hộ nghèo vẫn sẽ được miễn phí vé xe buýt.

>> Chính thức từ 1/11, Hà Nội tăng giá vé xe bus sau 10 năm giữ nguyên giá

Chính thức từ 1/11, Hà Nội tăng giá vé xe bus sau 10 năm giữ nguyên giá

Miễn phí xe buýt 2 tầng nhân Ngày Giải phóng Thủ đô

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-ve-xe-buyt-duoc-dieu-chinh-tang-manh-122-sau-10-nam-so-giao-thong-van-tai-len-tieng-253047.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giá vé xe buýt được điều chỉnh tăng mạnh 122% sau 10 năm, Sở Giao thông Vận tải lên tiếng
    POWERED BY ONECMS & INTECH