Giá xăng dầu hôm nay 1/2/2024 trên thị trường thế giới tiếp tục đi xuống theo đà giảm vào phiên trước. Còn giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh chiều nay được dự báo tăng mạnh.
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 1/2/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (1/2) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
>> Giá điện, giá gạo khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng đầu năm tăng 0,31%
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành hôm nay (1/2) có khả năng tăng theo xu hướng của giá xăng thế giới.
Nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 920-1.080 đồng/lít. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt mốc 24.000 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có thể tăng từ 680-770 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 25/1), giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh tăng. Trong đó, giá xăng RON 95 tăng vượt mốc 23.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 760 đồng/lít, giá bán là 22.170 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 920 đồng/lít, giá bán tăng lên 23.400 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 180 đồng/lít, giá bán lẻ là 20.370 đồng/lít. Trong khi giá dầu hoả tăng 10 đồng/lít, giá bán là 20.540 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 1/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 1/2 tiếp tục đi xuống theo đà giảm vào phiên trước.
Ngày 31/1, giá xăng dầu suy yếu sau khi lên mức cao nhất 2 tháng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h32' ngày 31/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,95 USD/thùng, giảm 0,92 USD, tương đương 1,11% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,84 USD/thùng, giảm 0,98 USD, tương đương 1,26% so với phiên liền trước.
Giá dầu giảm khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới) yếu gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư.
Hoạt động chế tạo tại Trung Quốc trong tháng 1/2024 giảm tháng thứ 4 liên tiếp.
Cùng với đó, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu ở nước này. Tòa án Hồng Kông (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý tập đoàn bất động sản Evergrande. Sự suy yếu của bất động sản Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu.
Nhiều nhà phân tích nhận định, tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024 chủ yếu nhờ tiêu thụ tại Trung Quốc. Do đó, dấu hiệu về sự chậm lại của nền kinh tế nước này sẽ làm thay đổi triển vọng nhu cầu dầu.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2023 của Khu vực châu Âu (EU) yếu cũng khiến giá dầu đi xuống.
Các dữ liệu khảo sát về chỉ số quản lý mua hàng cho thấy sự suy giảm trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của EU.
>> Hành khách tăng 350% dịp Tết, các bến xe ở Hà Nội có đáp ứng nhu cầu?