'Giải cứu' cơn khát cát cho dự án đường Vành đai 3 TPHCM
Sau 11 năm tạm ngừng khai thác cát, Tiền Giang đã chính thức cho khai thác mỏ cát trở lại để cung cấp cho Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM.
Chiều 9/10, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công ty cổ phần Hoàng Hải và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ khởi công khai thác mỏ cát Hòa Hưng - 5 tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè phục vụ Dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh. Đây là mỏ cát được cấp mới sau 11 năm tỉnh này ngưng cấp phép khai thác cát.
Trước đó, ngày 25/9/2024, UBND tỉnh Tiền Giang đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty cổ phần Hoàng Hải với trữ lượng được phép khai thác là hơn 1,136 triệu m3 và khoáng sản phụ đi kèm (đất bóc tầng phủ trong khai thác cát) là hơn 525 ngàn m3. Công suất được phép khai thác 400.000 m3/năm (nguyên khối). Thời hạn khai thác 4 năm 2 tháng kể từ ngày 25/9/2024. Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày từ 7h đến 17h, không được khai thác ban đêm.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ Hòa Hưng - 5 với tổng số tiền hơn 6,95 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã hoàn thành các nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định.
Sau 11 năm tỉnh Tiền Giang mới cấp phép khai thác cát trở lại để phục vụ dự án trọng điểm quốc gia- ảnh Tấn Minh |
Tại Lễ khởi công, ông Trần Văn Bền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Hải cho biết, công ty cam kết sẽ thực hiện đúng giấy phép UBND tỉnh cấp, cam kết bảo vệ môi trường và chấp hành nghiêm cung cấp cát cho Dự án đường Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng việc khai thác cát từ năm 2013. Hôm nay là ngày đầu tiên tỉnh khởi động lại việc khai thác cát tại mỏ Hòa Hưng 5. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương giao cho tỉnh Tiền Giang phục vụ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Ông Trọng cũng chỉ UBND huyện Cái Bè, xã Hòa Hưng tăng cường công tác kiểm soát, giám sát. Sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ thành lập các tổ giám sát ở các địa phương để giám sát hoạt động khai thác cát tại các mỏ…
Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km, đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), tỉnh Đồng Nai (11,26km), tỉnh Bình Dương(10,76km), tỉnh Long An (6,81km). Theo Bộ GTVT, dự án vành đai 3 TP.HCM cần khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp; hơn 9 triệu m3 cát đắp nền đường; cát xây dựng cần khoảng 0,9 triệu m3; đá xây dựng các loại khoảng 4,3 triệu m3. Tuy nhiên, lượng cát không đáp ứng được cho dự án kéo theo dự án chậm tiến độ.
>>Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM