Lộ diện hình hài cây cầu lớn nhất Vành đai 3 nối TP. HCM với tỉnh có sân bay lớn nhất Việt Nam
Trong tháng 9, nhịp chính đầu tiên của cầu ở giữa sông Đồng Nai sẽ được hợp long trước khi nối thông các nhịp khác vào đầu năm 2025.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa báo cáo Bộ GTVT về tình hình thực hiện dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường vành đai 3 TP. HCM.
Dự án thành phần 1A có hai gói thầu xây lắp gồm gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch) và gói thầu CW2 (đường dẫn hai đầu cầu).
Dự án cầu Nhơn Trạch dài 8,75km với tổng mức đầu tư 6.955 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước, do Công ty Kumho E&C Hàn Quốc.
Cầu Nhơn Trạch đã dần lộ hình hài. Ảnh: Anh Trọng
Dự án có cầu Nhơn Trạch là cây cầu có quy mô lớn nhất trên đường vành đai 3 TP. HCM. Tổng chiều dài cây cầu là 8,22km. Trong đó, đoạn qua TP. HCM dài 1,92km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài 6,30km.
>> 'Láng giềng' Thủ đô quyết tìm lại 'thương cảng' vang bóng một thời bằng tuyến đường gần 10.000 tỷ
Theo hợp đồng sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025. Vì vậy nhà thầu đang tập trung thi công với quyết tâm rút ngắn tiến độ 4 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2025.
Đoạn dầm cầu khó nhất đã được hoàn thành. Ảnh: Anh Trọng
Tính đến hết tháng 7, cầu Nhơn Trạch đạt 80% khối lượng. Nhà thầu đã lắp 44 dầm thuộc cầu dẫn bờ TP. HCM và 24 dầm phía tỉnh Đồng Nai. Còn gói thầu CW2 (đường dẫn hai đầu cầu) đang thi công đạt 40%. Gói thầu này chậm hơn một phần vì vướng mặt bằng đoạn bên bờ Đồng Nai.
Hiện tại, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đang phối hợp với Ban Giao thông TP. HCM thi công các nhánh tại nút giao với các tốc TP. HCM - Long Thành, để đảm bảo kết nối, đưa vào khai thác dịp 30/4/2025.
Dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào 30/4/2025. Ảnh: Báo Dân Việt
So với hơn một năm trước, công trình đã cơ bản thành hình. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, một trong những hạng mục khó thực hiện của dự án là trụ cầu giữa sông đã được đổ bê tông. Trong tháng 9, nhịp chính đầu tiên của cầu ở giữa sông Đồng Nai sẽ được hợp long trước khi nối thông các nhịp khác vào đầu năm 2025.
Sau khi dự án hoàn thành, người dân từ TP. HCM đi Vũng Tàu có thể rẽ sang cầu Nhơn Trạch, chia tải cho cầu Long Thành đang ùn tắc mỗi ngày như hiện nay.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được triển khai trên diện tích 5.000ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026, sân bay Long Thành dự kiến sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách mỗi năm, trở thành sân bay lớn nhất cả nước.
Tập đoàn Cảng hàng không hàng đầu thế giới trúng gói thầu quan trọng của siêu sân bay Long Thành
Soi năng lực liên danh Hàn Quốc vừa trúng thầu gói tư vấn quản lý tại sân bay Long Thành