Đứng trước nguy cơ người dân muốn phá vườn thanh long do bán mang lại lợi nhuận cao, thanh long cần được giải cứu và đưa vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Khó khăn của người trồng đến mức phải phá vườn trồng thanh long cũng chính là khó khăn đã từng xảy ra với rất nhiều cây nông nghiệp khác. Vì khả năng thích ứng với thay đổi thị trường còn thấp, sản xuất mang tính tự phát.
Để hướng tới việc trồng cây thanh long hiệu quả, bền vững, ngoài xây dựng vùng sản xuất, tạo sự liên kết vùng thì cần đào tạo để có những người trồng thanh long chuyên nghiệp, am hiểu thị trường, biết sản xuất và vận hành theo quy luật của thị trường.
Nông dân cần có tay nghề cao
Hợp tác xã (HTX) thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là một trong ít mô hình HTX thanh long thành công trong sản xuất, chế biến kết nối với đơn vị tiêu thụ và quy tụ người nông dân. Thành lập từ năm 2017, HTX đến nay có 12 thành viên với 35 ha thanh long, trong đó 5 ha thanh long trồng và chế biến theo tiêu chuẩn Global GAP và 30ha Viet GAP. HTX còn liên kết với các hộ sản xuất tại địa phương với gần 200ha thanh long đạt chất lượng VietGAP.
Để thay đổi thói quen sản xuất của người trồng thanh long, vai trò của các HTX rất quan trọng. Từ thực tiễn ở HTX mình, ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Thanh long sạch Hòa Lệ cho rằng, để xóa bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và manh mún của người trồng thanh long, rất cần sự quyết liệt của các ban ngành, chính quyền địa phương, liên hiệp HTX. Ngành chức năng cũng cần thành lập các hội quán để chia sẻ kinh nghiệm làm thanh long sạch, đảm bảo chất lượng và đạt tiêu chuẩn… đảm bảo xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Hướng đến việc hình thành vùng sản xuất thanh long lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường rất cần những người nông dân chuyên nghiệp. Với người trồng thanh long, không thể thay đổi tư duy “một sớm một chiều” nhưng phải bắt đầu từ những việc đơn giản. Đó là bồi dưỡng, tập huấn cho người trồng về nhu cầu thị hiếu của thị trường, ghi chép nhật ký sản xuất.
Với những người không chuyên, sẽ tham gia HTX với vai trò thành viên thụ động, và nhà nước sẽ phải có khóa đào tạo để dần dần họ sớm thích nghi với quy mô sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất…
Tạo lập liên kết vùng sản xuất
Muốn phát triển bền vững phải để người trồng yên tâm sản xuất. Ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, theo ông Lê Tấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo ngành nông nghiệp cần xây dựng chiến lược nghiên cứu đánh giá tiềm năng, nhu cầu thị hiếu thị trường một cách bài bản, có cơ sở khoa học, từ đó để có khuyến cáo đối với các tỉnh về quy hoạch, sản xuất để làm sao đảm bảo cung cầu.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng cần phối hợp thường xuyên với Bộ Công Thương để điều tiết sản xuất. Ngoài tìm kiếm thị trường tiêu thụ cần liên kết sản xuất, tăng cường công tác chế biến và như vậy sẽ giải quyết được ứ đọng hàng hóa.
Hợp tác, liên kết và mở rộng thị trường nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để phát triển đang là vấn đề đặt ra với trái cây thanh long.
Để làm được điều này, ngoài xây dựng, đào tạo những người trồng chuyên nghiệp nắm vững thông tin về thị trường, các HTX cũng cần thay đổi cung cách để đi vào thực chất và một sự liên kết rất quan trọng nữa đó là sự liên kết giữa các tỉnh thành.
Từ trước đến nay, các địa phương trồng thanh long vẫn đang thực hiện xúc tiến kiểu “mạnh ai nấy làm” nên nhiều sản phẩm được xúc tiến đã không đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Trong bối cảnh diện tích trồng thanh long ở các nước trong khu vực và trên thế giới đang ngày càng mở rộng, sự phối hợp giữa các địa phương sẽ giúp cho trái thanh long Việt Nam ngày càng tiến xa hơn, bền vững hơn, giàu tính cạnh tranh hơn.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp Tập đoàn y tế hàng đầu Nhật Bản
Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm rõ một số vấn đề quan trọng trong lĩnh vực y tế