Giải mã lý do việc tiêu tiền khiến con người cảm thấy hạnh phúc
Tiêu tiền sẽ mang đến niềm vui và hạnh phúc tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu nắm được những hiệu ứng tâm lý học phía sau hành vi chi tiêu của mình, bạn có thể sẽ tiết kiệm được một khoản tiền và giữ được hooc-môn hạnh phúc của mình.
Đa số chúng ta khi phải bỏ tiền ra để trả cho việc thuê nhà, tiền điện nước hay phí sinh hoạt sẽ khiến ta không mấy vui vẻ. Nhưng ở một hoàn cảnh khác, có thể chúng ta dám mạnh tay chi khoản tiền lớn mà lại mang đến một niềm vui, hạnh phúc tuyệt đối.
Theo các chuyên gia, để trở thành một người tiêu tiền thông thái và vui vẻ hãy lưu ý các điều sau:
Lợi ích thực mua thường bị che khuất bởi lợi ích giao dịch
Scott Rick - Phó giáo sư Marketing tại Đại học Michigan từng cho biết, trong các tài liệu bàn luận về tâm lý của người mua sắm, ông cùng những nhà nghiên cứu nhắc nhiều về lợi ích thực mua (khi một sản phẩm có giá thấp hơn giá trị thực của chúng đối với chúng ta) và lợi ích giao dịch (khi một sản phẩm có giá thấp hơn cái giá mà chúng ta mong đợi người ta sẽ bán nó).
Tuy nhiên, cả lợi ích thực mua và lợi ích giao dịch đều có thể đem lại thú vui mua sắm, ngay cả khi nó bất hợp lý. Ví dụ, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ khi mua một sản phẩm đang được giảm giá. Bởi vì bạn đang quan tâm về lợi ích giao dịch mà quên đi lợi ích thực mua khi giá bán của sản phẩm vẫn cao hơn mức giá trị mà nó đem lại cho người tiêu dùng. Hay có thể nói mọi người đã coi trọng lợi ích giao dịch quá mức cần thiết trong nhiều trường hợp.
Bên cạnh đó, một phần niềm vui khi tiêu tiền được thúc đẩy bằng thông tin sai lệch: đến từ quảng cáo, từ bao bì sản phẩm khiến công dụng trở nên tốt hơn thực tế hay những lời khẳng định về sản phẩm của những người bán hàng.
Trong nhiều trường hợp bạn đã có thông tin chính xác về sản phẩm nhưng vẫn mắc phải lỗi cảm tính. Khi quyết định trả tiền để mua sản phẩm, chúng ta thường mặc định sản phẩm đó có nhiều công dụng, giá trị cùng niềm vui mà nó mang lại, tuy nhiên sau khi mua thì sự phấn khích này sẽ giảm xuống theo thời gian.
Tiền mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào cách thức, thời gian và lý do chúng ta tiêu nó
Theo Uma - R. Karmarkar - Phó giáo sư Quản lý, Chính sách & Chiến lược Toàn cầu tại Đại học California cho biết, cảm xúc của con người sẽ khác nhau phụ thuộc vào lý do, cách thức và thời gian tiêu tiền.
Trong một số trường hợp, tiêu tiền mang lại hạnh phúc. Cụ thể, khi việc tiêu tiền là phương tiện giúp bạn hoàn thành mục tiêu đã đặt ra, ví dụ như: mua một chiếc xe, mua ngôi nhà mà bạn đang tiết kiệm tiền để có được nó.
Khi đó, cảm giác mất tiền sẽ bị lấn át bởi sự hào hứng, vui vẻ sau quãng thời gian chờ đợi. Hiệu ứng này liên quan đến những khái niệm về tâm lý thanh toán trong tâm lý học hành vi, nói rằng chúng ta có thể gán các ý nghĩa hoặc giá trị khác nhau cho số tiền mà chúng ta tiêu.
Ngược lại, khi bạn phải trả tiền thuê nhà, điều này sẽ không vui và thú vị bằng việc mua xe mới. Nhiều người vui vẻ chi tiền sau khi mặc cả thành công, vì họ nghĩ rằng mua được sản phẩm rẻ hơn so với giá trị của sản phẩm.
Tiêu tiền có thể mang lại sự vui vẻ, hạnh phúc khi nhận được tín hiệu xã hội tích cực về bản thân. Chẳng hạn, bạn chi trả cho bữa ăn/chai rượu đắt tiền ở nhà hàng sang trọng nhằm mục đích cho người khác thấy sự giàu có của bạn.
Thêm vào đó, việc chi tiền cho người khác có thể mang đến cảm xúc tích cực như: dành một khoản tiền cho hoạt động tuè thiện. Bởi vậy, có thể thấy việc tiêu tiền mang rất nhiều ý nghĩa, tùy vào cách thức, thời gian và lí do khác nhau.
Niềm vui mua sắm bắt nguồn từ ý thức trong não bộ
Catherine Franssen - Phó giáo sư Tâm lý học tại Đại học Longwood cho biết: Các trung tâm động lực và khen thưởng trong não bộ (chẳng hạn như vùng chỏm não bụng) được kết nối rất chặt chẽ. Khi chúng ta thích một thứ gì đó, các vùng não này sẽ được kích hoạt mạnh, tiết ra dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh), khiến chúng ta cảm thấy bắt buộc phải mua.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tìm kiếm sự thỏa mãn (được điều chỉnh một phần bởi các vùng não gần đó và chất dẫn truyền thần kinh serotonin). Những trung tâm động lực và khen thưởng trong não được liên kết với các ngân hàng bộ nhớ, nhắc nhở chúng ta rằng việc mua món đồ yêu thích sẽ kích hoạt sự thỏa mãn và giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, bất kể điều chúng ta khao khát là gì, bộ não sẽ liên tục nhắc nhở khi mua sẽ giúp chúng ta có cảm xúc tốt hơn. Việc này khiến nhiều người rơi vào thói quen nghiện mua sắm dựa theo tâm lý và gây ra rủi ro tài chính trong dài hạn.
Tiêu tiền tạo ra cảm giác kiểm soát được cuộc sống
Syon Bhanot - Phó giáo sư Kinh tế tại Trường Cao đẳng Swarthmore cho biết: Khi trải nghiệm mua sắm sẽ giúp chúng ta có quyền kiểm soát tuyệt đối với mặt hàng mình mua. Việc này giúp cải thiện tâm trạng, nó xây dựng ý thức độc lập cá nhân và thúc đẩy ý thức tự do lựa chọn con đường đi riêng trong cuộc sống.
Theo kinh tế học hành vi, con người có xu hướng thiên vị hiện tại, muốn làm hài lòng bản thân ngay lập tức. Mua một đồ vật và nhận được liền, thậm chí phải trả nợ thẻ tín dụng hoặc trả góp cho món hàng sau này.
Nỗi buồn khiến mọi người chi tiền nhiều hơn
Kinda Fox-Glassman - Giảng viên, Giám đốc Nghiên cứu Tâm lý học tại Đại học Columbia cho biết: Tiêu tiền có thể khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn khi buồn.
James Bond đã nhận ra điều này đối với những người đánh bạc trong sòng bài. Dù họ có thắng hoặc thua lỗ cùng một số tiền, nỗi buồn của những người mất tiền lúc nào cũng nhiều hơn so với niềm vui của người thắng bạc.
Một vài thập kỷ sau, Daniel Kahneman và Amos Tversky đưa ra một tỷ lệ cụ thể cho hiệu ứng này: Trung bình, tổn thất ảnh hưởng đến chúng ta mạnh gấp đôi so với lợi nhuận. Lý do đến từ Hiệu ứng sở hữu:
Một khi chúng ta sở hữu thứ gì đó, chúng ta chỉ muốn bán nó với một mức giá cao hơn mức giá mà chúng ta đã bỏ ra để sở hữu nó. Trung bình, tỷ lệ này là 2:1.
Một thứ có thể trung hòa sự chênh lệch này về cùng một mức đó chính là nỗi buồn. Nỗi buồn gắn liền với cảm giác bất lực, chúng ta thường cảm thấy sự đau khổ gắn liền với hoàn cảnh của mình.
Điều đó có nghĩa là để thoát khỏi trạng thái buồn bã, chúng ta đã có sẵn một động lực muốn thay đổi hoàn cảnh. Khi bạn đang sở hữu món hàng, bạn sẵn sàng bán nó đi với giá thấp hơn, ngược lại khi bạn có cơ hội mua món hàng, bạn sẽ trả giá cao hơn để sở hữu món hàng đó.