Giải ngân vốn đầu tư công vẫn điệp khúc "chậm"
Ngày 5/7, Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán vốn kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch và đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đã có 12/44 bộ, cơ quan Trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Cụ thể, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Đài Truyền hình Việt Nam, Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam..., các tỉnh Thanh Hóa, Tiền Giang, Phú Thọ, Long An, Đồng Tháp, Hà Tĩnh...
Tuy nhiên, vẫn còn 32/44 bộ, cơ quan Trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có một số bộ, cơ quan Trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như: Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Riêng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tỷ lệ giải ngân 0% do chưa phân bổ kế hoạch vốn. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Hưng Yên...
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm còn bị ảnh hưởng bởi một lượng tương đối lớn vốn ngân sách Trung ương mới được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung nên khó có thể giải ngân kịp thời trong 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp, một số dự án chưa giải ngân và nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 5%.
Ngoài ra, theo báo cáo của một số địa phương, trong thời gian qua có hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng ngọt, gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, từ đó đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng, Bộ Tài chính đều có đề xuất với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được giao bổ sung vốn ngân sách Trung ương từ nguồn tăng thu năm 2022 khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm căn cứ giải ngân vốn trong thời gian tới.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung giải ngân nguồn vốn được phép kéo dài sang năm 2024; trong đó, lưu ý đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương chỉ được kéo dài và giải ngân đối với danh mục, số vốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ đến nay, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư và kế hoạch vốn cho Sở Giao thông Vận tải các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Ngãi để thực hiện đầu tư các dự án đầu tư tuyến nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; nâng cấp, cải tạo quốc lộ 24B đoạn Km23 - Km29.
Vì vậy, để thống nhất thực hiện và đủ cơ sở pháp lý thực hiện kiểm tra phân bổ, phê duyệt dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và giải ngân kế hoạch vốn năm cho các dự án, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến về việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
>> Cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công của TP. HCM trong nửa đầu năm 2024