Theo TS. Cấn Văn Lực, cần phải đầy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, vì nó giải tỏa được nhiều thứ liên quan đến tăng trưởng, cơ sở hạ tầng, ách tắc nợ đọng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân đang ngày càng giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong khi các gói ưu đãi lãi suất vẫn chưa đi vào thực tiễn. Mặc dù lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm đáng kể, nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính nhìn nhận, trên thị trường phân chia thành hai nhóm doanh nghiệp gồm, nhóm thứ nhất là bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng tồn kho nhiều, dẫn đến càng sản xuất càng thua lỗ. Nhóm thứ hai là không thể vay vốn, do không đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện cho vay, hoặc ngân hàng đánh giá rủi ro cao nên cho vay ít hơn so với nhu cầu của doanh nghiệp.
Đánh giá chung về tình hình, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, bên ngoài thế giới hiện nay, ngân hàng trung ương các nước về cơ bản đã giảm đà tăng lãi suất, thậm chí có một số ngân hàng trung ương bắt đầu ngừng tăng lãi suất bởi vì lạm phát toàn cầu đang giảm nhiệt tương đối tích cực. Trong nước, lạm phát cũng đang hạ nhiệt và thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào hơn.
Lãi suất cho vay ở lĩnh vực ưu tiên đã ở mức tương đối thấp, khoảng 4,5% - bằng với kỳ vọng lạm phát, nên nếu giảm tiếp sẽ rất khó cho hệ thống ngân hàng và như vậy chưa chắc dòng vốn sẽ chảy vào sản xuất, mà người vay sẽ muốn phân bổ vốn vào khu vực khác.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục hạ lãi suất điều hành, điều này giúp cải thiện một phần đối với dòng vốn cho doanh nghiệp, vì các chính sách còn có độ trễ thông thường từ 3-6 tháng.
“Nhưng tôi hiểu, Chính phủ và NHNN mong muốn đẩy độ trễ đó lên nhanh hơn, thì chỉ từ 1-3 tháng, nhưng quan trọng hơn vẫn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện đang rất yếu. Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng mong muốn cho vay với khách hàng tốt, nhưng tìm kiếm tương đối khó vì đầu ra, đơn hàng của doanh nghiệp rất ít, khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất gây ra hiện tượng vay vốn thấp đáng kể.
Theo nhận định của tôi, thị trường sẽ phục hồi dần dần từ quý 3 trở đi và đơn hàng bắt đầu xuất hiện thì khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu tín dụng sẽ được tăng dần lên”, ông Lực dự báo.
Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, trên thị trường hiện nay có hai loại lãi suất, là lãi suất hiện tại với khoản vay hiện hữu, những khoản này ở mức tương đối cao vì phải chịu lãi suất của cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Còn những khoản vay mới thì đương nhiên là đã và đang giảm, thông tin từ các ngân hàng cho thấy, các gói vay của đâu đó đã giảm từ 0,5-1% thậm chí là 2%.
Trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát và tỷ giá ổn định, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bớt đi thách thức của năm nay, thì lãi suất nên tiếp tục giảm thêm kết hợp với kích cầu tiêu dùng và đồng bộ nhiều giải pháp khác.
“Tôi cho rằng, khả năng giảm lãi suất điều hành của NHNN có thể ở mức từ 0,5-1%. Như vậy chúng ta mới đảm bảo phục hồi và tăng trưởng kinh tế chung.
Cụ thể về giải pháp, thứ nhất Việt Nam cần quyết liệt hơn trong câu chuyện liên quan đến pháp lý, đặc biệt là thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp phản ánh rằng, nhiều địa phương đã không vào cuộc quyết liệt, không hành động mà nguyên nhân đã được Đảng, Chính phủ chỉ ra là sợ sai, sợ trách nhiệm. Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được cải thiện hơn khi Quốc hội, Chính phủ sẽ vào cuộc mạnh mẽ để quán triệt tinh thần.
Thứ hai, phải đẩy mạnh hơn nữa câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công, vì nó giải tỏa được rất nhiều thứ liên quan đến tăng trưởng, cơ sở hạ tầng, ách tắc nợ đọng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.
Thứ ba, là phải hỗ trợ doanh nghiệp để tìm thêm đầu ra, đặc biệt cho xuất khẩu.
Thứ tư, là kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ và tài khóa, chính sách tài khóa. Năm nay, chính sách tài khoá phải là chủ lực, nên Chính phủ đã rất quyết liệt đẩy mạnh các gói giãn hoãn, giảm thuế, phí trong thời gian vừa qua và xem xét tiếp tục chương trình này trong thời gian tới. Đồng thời hai bên sẽ phối hợp với nhau để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Bổ sung thêm giải pháp để gỡ nút thắt về tín dụng, giải toả ách tắc trên thị trường vốn, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất các điều kiện cho vay cần linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Ngoài bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Mặt khác, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp. Trong đó, có thể phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.