Theo Bộ Công Thương, giá xăng nhập khẩu từ Singapore đang rớt mạnh đã mở ra kỳ vọng giảm giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày 1/7 tới.
Hạ nhiệt giá xăng dầu...
Sáng 28/6/2022, Bộ Công thương đã công bố giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore đang giảm mạnh chỉ còn 152-153 USD/thùng. Do đó, kỳ điều chỉnh xăng trong vài ngày tới có khả năng giá xăng sẽ giảm.
Theo các chuyên gia, giá xăng nhập cũng dao động theo giá dầu thô toàn cầu. Vừa qua, giá dầu đã giảm nhiệt, không còn trên mức 120 USD/thùng mà thường dao động ở mức 105-111 USD/thùng.
Nguyên nhân, người dân các nước giảm tiêu thụ xăng dầu do giá quá cao. Việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế chủ chốt đã gia tăng sức mạnh đồng USD và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu đã khiến giá dầu hạ nhiệt.
Theo Bộ Tài chính, thuế trong giá xăng E5RON92 chiếm tỉ trọng khoảng 23,4%, trong xăng RON95 khoảng 24,1% và trong dầu diesel khoảng 12,7% (với mức thuế BVMT đang được giảm 50%). Để góp phần giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với mức 1.000 đồng/lít cho mặt hàng xăng là hợp lý. Việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022.
Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay", VCCI đánh giá.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Tại kỳ điều hành mới nhất vào ngày 21/6, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 7 liên tiếp và lập đỉnh mới. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 190 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng/lít.
... cần nhiều công cụ khác ngoài giảm thuế
Bộ Công Thương mới đây đề xuất tiếp tục giảm Thuế bảo vệ môi trường kịch sàn. Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít, mỡ nhờn từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg, dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng hiện nay được xem là công cụ thiết thực cần làm ngay để kìm hãm giá xăng dầu. Tuy được các doanh nghiệp đồng tình vì nó làm giảm ngay lập tức giá xăng nhưng theo nhiều doanh nghiệp, giá xăng tiếp tục duy trì đà tăng như hiện nay thì giảm kịch sàn mức thuế này cũng ‘không ăn thua’.
Các chuyên gia đánh giá, đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường trên mặt hàng xăng dầu hiện nay để kìm giá mặt hàng này là giải pháp cần thiết để bình ổn kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát. Khi được triển khai sẽ ngay lập tức làm hạ nhiệt giá xăng dầu.
Tuy nhiên, trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay không chỉ có thuế bảo vệ môi trường, giá xăng đang cõng nặng nhiều mặt hàng thuế phí khác cũng rất nặng. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trường đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) phân tích: "Đối với xăng dầu hiện nay chịu 4 loại thuế, thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế BVMT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay chúng ta sản xuất được 70% nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu 30%, cái nhập 30% này hiện nay chịu 4 loại thuế nêu trên. Ngoại trừ thuế BVMT thu cố định còn các loại thuế khác thu theo tỷ lệ %, khi giá tính thuế đầu vào tăng lên thì tỷ lệ ko thay đổi nhưng giá trị tuyệt đối thay đổi tăng lên".
Ông Trọng cũng đề xuất, trong bối cảnh hiện nay việc xem xét tổng thể mức thuế mà chúng ta đang áp dụng để loại trừ một loại thuế nào đó là cần thiết, mà điều kiện hiện nay là thuế tiêu thụ đặc biệt, "việc chúng ta xem xăng dầu có phải là hàng hoá tiêu thụ đặc biệt hay không tuỳ thuộc vào quan điểm của các quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, xăng dầu không phải là mặt hàng xa xỉ mà là mặt hàng thiết yếu, phổ thông và là đầu vào của nhiều ngành kinh tế dịch vụ và sản xuất nên chúng ta duy trì thuế tiêu thụ đặc biết với xăng dầu là chưa phù hợp thực tiễn".
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần có công cụ điều tiết liên quan đến kìm giá. Việc tăng giá nó sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn lên tiêu dùng đối với đối tượng thu nhập thấp nên cần phải xem xét chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng sử dụng xăng dầu là đầu vào, họ chịu sức ép lớn.
Về lâu dài trong bình ổn xăng dầu hạn chế tác động cú sốc từ bên ngoài chúng ta phải chủ động nguồn cung trong nước. Đồng thời, cần xác định lại phương thức tính giá, vì cách tính giá xăng dầu hiện nay của chúng ta phụ thuộc vào nhà nước hiệp thương giữa các bộ. Tuy nhiên, cơ sở định giá phụ thuộc vào số liệu các doanh nghiệp đầu mối cung cấp dẫn đến chưa đảm bảo khách quan hoàn toàn.
Với người tiêu dùng, những cú sốc về giá nhiên liệu sẽ dẫn đến điều chỉnh trong cơ cấu ngành nghề, những ngành lấy xăng dầu làm đầu vào lớn họ sẽ phải điều chỉnh lại sản xuất. Về lâu dài phải điều chỉnh, giảm bớt phụ thuộc vào xăng dầu, tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít