Gian nan xử lý bất động sản bỏ hoang

29-06-2021 14:26|Như Nguyễn (Tổng hơp)

Câu chuyện các chủ đầu tư tích lũy đất đai, gom đất đầu cơ, lập dự án nhưng chậm trễ triển khai, từ đó dẫn đến hoang hóa đất đai đang là thực trạng xảy ra ở nhiều địa phương, gây lãng phí nguồn tài nguyên, giảm hiệu quả đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội trước đó đã ban hành quyết định tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Kết quả báo cáo từ đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội cho biết, từ thời điểm trước và sau cuộc giám giám sát, từ năm 2018 đến hết tháng 4-2021, có 390 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tại thành phố này.

Trong đó, 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, chậm thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai theo quyết định được phê duyệt. Bên cạnh đó, có 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Riêng 89 dự án chậm triển khai đã tiến hành xử lý theo kiến nghị giám sát, tồn đọng đến hết năm 2020. Đến nay 56 dự án vẫn chưa được khắc phục dứt điểm vi phạm, 22 dự án đã ban hành quyết định thu hồi đất. Nhưng đến thời điểm tái giám sát vào tháng 3 vừa qua, có tới 18 dự án chưa được thu hồi đất.

Từ năm 2018 đến nay, Hà Nội có 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất, tổng số tiền gần 2.000 tỉ đồng. Một số địa bàn tại Hà Nội có nhiều dự án bỏ hoang, chậm triển khai như: Mê Linh, Hoài Đức, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án nhà đất chậm triển khai. Nguyên nhân khách quan chủ yếu do những hạn chế trong công tác quy hoạch, nếu điều chỉnh quy hoạch thì dự án cũng phải điều chỉnh theo. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ năng lực tài chính của chủ đầu tư... Ví dụ, khi thị trường hết “nóng” thì không ai đổ tiền vào, dự án không triển khai được. Chủ đầu tư tìm cách kéo dài thời gian, xây dựng một phần nhỏ hoặc chỉ san nền, quây tôn rồi bỏ đấy. Có chủ đầu tư chờ hết thời hạn rồi chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác, sau đó dự án lại tiếp tục nằm im.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nhà nước đã bị thiệt hại rất lớn từ các dự án treo, dự án bỏ hoang đất. Trong khi đó, tình trạng dự án bỏ hoang đất là chuyện rất phổ biến không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước. Nhiều đại gia, quan chức tham nhũng chủ yếu là từ đất. Lợi dụng sự lỏng lẻo của chính sách đất đai, các đại gia thu tiền từ đất rất lớn. Có tình trạng ôm dự án, tích trữ đất để đấy rồi chờ giá đất lên, khi mà có quy hoạch, khi phát triển đô thị, hạ tầng, giá đất lên cao, chênh lệch giá đất dẫn đến Nhà nước thiệt hại rất nhiều.

“Trong khi đó ta đã có quy định về xử lý các dự án treo là hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa. Hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất. Quy định luật Đất đai 2013 đã rất rõ ràng, nhưng thực tế xử lý các dự án treo còn rất yếu. Dự án bỏ hoang đất dẫn đến lãng phí cũng cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm”, chuyên gia Đặng Hùng Võ phân tích.

Do có tình trạng lợi ích nhóm trong quản lý đất đai nên làm giảm hiệu quả ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho người dân bị thu hồi đất. Lợi ích từ đất đang đi nhiều hơn vào các doanh nghiệp tư nhân, đi vào các nhóm lợi ích. Cần phải đưa ra tiêu chí định lượng để phê duyệt dự án, làm rõ các yếu tố khả thi, đánh giá về hiệu quả sử dụng đất thật cụ thể. Tránh tình trạng áp dụng tiêu chí không quản được các chủ đầu tư.

Ông Đặng Hùng Võ còn cho hay, Luật Đất đai đưa ra là mọi dự án đều phải tham gia đấu giá đất. Nhưng hiện nay, các dự án chủ yếu đưa ra cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất. Mà đấu thầu thì gần như là doanh nghiệp bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng đều trúng thầu hết. Bởi có tiêu chí khẳng định ai bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng thì trúng thầu. Đây vẫn là hình bóng của cơ chế giao trực tiếp, thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất. Hiện nay, việc đấu giá đất cho các dự án đầu tư gần như chưa có. Chủ yếu là cấp huyện đấu giá đất phân lô bán nền. Cơ chế đấu giá đất chưa được áp dụng cho các dự án đầu tư, chủ yếu vẫn áp dụng phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gian-nan-xu-ly-bat-dong-san-bo-hoang-119780.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gian nan xử lý bất động sản bỏ hoang
    POWERED BY ONECMS & INTECH