Quốc tế

Giàn phơi quần áo: Di sản đô thị độc đáo của Thượng Hải

Bắc Hiệp Theo Sixth Tone 14/02/2024 - 00:15

Với người dân Thượng Hải, hình ảnh những giàn phơi quần áo che lấp bầu trời từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu khi nói về thành phố của mình.

Giàn phơi quần áo: Di sản đô thị độc đáo của Thượng Hải

Những người mới đến Thượng Hải có thể ngạc nhiên khi trông thấy những giàn phơi quần áo lớn nhô ra từ hai bên các tòa chung cư cao tầng, đặc biệt là ở các khu tập thể cũ. Trong mắt nhiều người, những dây phơi sặc sỡ này trông giống những lá cờ tung bay bên ngoài tòa nhà Liên Hợp Quốc.

Giàn phơi quần áo tại Thượng Hải có thiết kế đơn giản: Một khung hình chữ nhật cố định có kích thước khoảng 3 x 2 m trải dài từ ban công hoặc cửa sổ. Quần áo được sắp xếp trên những chiếc cọc dài, sau đó được treo cẩn thận trên khung.

Những chiếc cọc tre, hiện đại hơn thì bằng thép, có đủ độ dài để làm khô 3 - 4 tấm ga trải giường cùng một lúc. Đối với người dân Thượng Hải, những người nổi tiếng tôn sùng sự hiệu quả, giàn phơi còn tốt hơn cả máy sấy quần áo.

Giàn phơi quần áo: Di sản đô thị độc đáo của Thượng Hải ảnh 1
Những giàn phơi quần áo hòa lẫn với dây điện tại Thượng Hải. Ảnh: Sixth Tone

Vào một ngày nắng, khung cảnh được tạo ra bởi tầng tầng lớp lớp giá treo này có thể gây cảm hứng cho các văn nhân. Tuy nhiên, với cung cách sinh hoạt này, sự riêng tư sẽ hoàn toàn bị xóa sổ, vì người dân Thượng Hải không ngại trưng bày tất cả các loại quần áo, kể cả đồ lót, cho tất cả mọi người cùng xem.

Dạo quanh bất kỳ ngóc ngách nào ở Thượng Hải, bạn có thể sẽ nhìn thấy những giá treo quần áo này, đặc biệt là bên ngoài những con ngõ truyền thống và chung cư được xây dựng vào những năm 1990. Lướt nhanh trên nền tảng Taobao, không khó để lựa chọn đặt mua các thể loại giàn phơi quần áo.

Trước thềm Hội chợ triển lãm Thượng Hải 2010, chính quyền thành phố cho rằng những giá phơi quần áo gây chướng mắt, có nguy cơ làm hoen ố hình ảnh của Thượng Hải như một đô thị hiện đại và quyết định cấm người dân phơi quần áo bên ngoài cửa sổ trên nhiều con đường chính.

Tuy nhiên, một số người dân địa phương cho rằng những giàn phơi nên được coi là di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, có một điều không còn phải bàn cãi là việc sử dụng những giá treo này đòi hỏi nhiều sự khéo léo. Các cột thép có thể dài tới 2 đến 3 m và có thể cực kỳ nặng khi chất đầy quần áo, ga giường hoặc thậm chí cả chăn màn.

Việc phơi quần áo đòi hỏi kỹ năng của một chuyên gia, vừa không chạm vào bệ cửa sổ bụi bẩn, đồng thời giữ thăng bằng. Người phơi vừa phải giữ một đầu gậy, trong khi cố gắng lắp đầu kia vào một vòng kim loại hình bán nguyệt ở đầu khung để giữ nó ở đúng vị trí giống như một màn trình diễn nhào lộn.

Dù vậy, không phải là không có tai nạn xảy ra khi phơi quần áo kiểu này. Nhiều người từng bị ngã từ cửa sổ khi cố gắng treo giá đỡ. Do đó, một số khu dân cư hiện đang cấm sử dụng thiết kế giá đỡ cổ điển này.

"Cơn đói" khoảng không

Hiện vẫn có nhiều ý kiến về nguồn gốc ra đời của những giá phơi quần áo tại Thượng Hải.

Ma Shanglong, một nhà văn ở Thượng Hải, cho biết: “Điều chắc chắn là chính các công nhân là những người đầu tiên sử dụng phương pháp này”. Ông Ma phỏng đoán các giá phơi có thể xuất hiện lần đầu trong một khu dân cư được xây dựng dành riêng cho “công nhân kiểu mẫu” vào những năm 1980 và 1990.

Theo ông Ma, giá phơi đồ xuất hiện ở Thượng Hải xuất phát từ nhu cầu thiết yếu. “Trước hết, độ ẩm ở Thượng Hải tương đối cao. Dù chuyển từ ngõ hẻm lên chung cư nhưng người Thượng Hải vẫn giữ thói quen phơi quần áo ngoài trời. Thứ hai, không gian sống ở Thượng Hải luôn rất hạn chế”, nhà văn này cho biết.

Vào những năm 1980 và 1990, trung bình một căn hộ ở Thượng Hải chỉ có diện tích từ 13 - 15 m2. Một cặp vợ chồng có con cùng với đồ đạc sẽ gần như lấp đầy căn hộ.

“Vì vậy, nhiều gia đình đã nảy ra ý tưởng "khép kín" ban công để tăng không gian trong nhà. "Vì không còn chỗ để phơi quần áo, nên người ta phải treo giá ra ngoài cửa sổ", ông Ma nói.

Một nhà văn Thượng Hải khác, Ji Bisou, cho biết ông cũng tự làm giá gỗ để phơi quần áo. “Vào những năm 80, khi giá treo quần áo trở nên phổ biến, chúng đều được người dân tự làm bằng tay", ông Ji hồi tưởng.

Sự phổ biến của các giá đỡ có liên quan chặt chẽ đến sự nhạy cảm của người Thượng Hải đối với không gian sống, một đặc điểm mà nhà văn Ji gọi là “cơn đói khoảng không”.

Zhou Liyuan sống trong một con ngõ trên đường Hoàng Hà, quận Hoàng Phố vào những năm 1980. Nhớ lại những ngày đó, điều khiến Zhou ấn tượng nhất là hình ảnh mẹ chồng tranh giành "lãnh thổ" để phơi quần áo.

Sáng sớm, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi đến từ Ninh Ba, một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, sẽ chạy ra ngoài với 7, 8 cọc tre lớn để chiếm hết những chỗ nắng trong ngõ. Điều này đương nhiên dẫn đến những cuộc cãi vã thường xuyên với hàng xóm.

“Cảnh tượng đó có thể rất căng thẳng. Là con dâu, tôi không dám ra ngoài những lúc đó” bà Zhou nói. “Bây giờ gặp lại hàng xóm cũ, họ vẫn trêu mẹ chồng tôi và nói bà giống một dũng sĩ”.

Pan Yuhua, sống trong một khu chung cư ở quận Tĩnh An, nói rằng ban công hướng về phía nam và giá phơi quần áo lớn trong căn hộ là lý do khiến cô quyết định mua căn hộ mình đang ở.

“Bây giờ, nhiều khu dân cư mới sử dụng giàn phơi thông minh, nhưng khi đẩy hết ra ngoài, chúng chỉ giãn ra khoảng 1m. Điều đó không thuận tiện cho việc phơi đồ”, Pan nói.

>> Alibaba đầu tư lớn vào dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới ở Thượng Hải, rót vốn 'khủng’ cho Lazada

Alibaba đầu tư lớn vào dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới ở Thượng Hải, rót vốn 'khủng’ cho Lazada

Cô gái Hải Dương lấy chồng Thượng Hải, mua vài căn nhà sau 6 năm kết hôn

'Vua cổ phiếu' giàu có nhất nhì bến Thượng Hải: Trở thành tỷ phú vẫn ăn hộp cơm 8 nhân dân tệ trên vỉa hè

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/gian-phoi-quan-ao-di-san-do-thi-doc-dao-cua-thuong-hai-post143544.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Giàn phơi quần áo: Di sản đô thị độc đáo của Thượng Hải
POWERED BY ONECMS & INTECH