Giao xe máy cho trẻ chưa đủ tuổi điều khiển, chủ xe có bị phạt không?
Nhiều phụ huynh vì nhiều lý do sẵn sàng giao những chiếc mô tô, xe máy cho con em mình đi học, đi chơi. Tuy nhiên, hành động này là tiếp tay cho hàng loạt các hành vi vi phạm mà người giao xe cũng bị liên đới.
Trên đường phố hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh cấp 2, cấp 3 điều khiển các loại mô tô, xe máy khác nhau, trong đó nhiều xe có dung tích trên 50cc. Thậm chí, những cô cậu này còn vô tư lái xe mà không đội mũ bảo hiểm, sẵn sàng kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng trên đường,... khiến nhiều người không khỏi "tức mắt".
Thực tế, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có những quy định rất rõ, trong đó nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi lái xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xy lanh từ 50cc trở lên.
Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ về tuổi, sức khỏe của người lái xe, trong đó nêu rõ: "Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự".
Tuy vậy, do đối tượng vi phạm là những thiếu niên chưa đủ 18 tuổi nên mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đang là khá nhẹ nhàng.
Cụ thể, theo Điều 21 Nghị định 100, với người từ 14-16 tuổi điều khiển xe máy sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo; với người từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe từ 50 cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng. Người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 82 Nghị định 100.
Tuy vậy, đối với phụ huynh học sinh hoặc những người có hành vi giao xe mô tô, xe máy cho người chưa đủ tuổi điều khiển cũng là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, tại khoản 5, Điều 30 Nghị định 100 quy định về xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).
Trong trường hợp người chưa đủ tuổi lái xe máy trên 50 cm3 gây ra tai nạn thì người giao xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và sẽ có thể đối diện với án phạt tù tùy theo mức độ thiệt hại.
Nhiều ý kiến cho rằng, các lực lượng chức năng cần tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm đối với học sinh chưa đủ tuổi đã điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây nguy hiểm trên đường.
Đồng thời, với lứa tuổi dễ "bốc đồng" này, ngoài sự vào cuộc của nhà trường, các lực lượng chức năng và toàn xã hội thì việc giáo dục, nêu gương và quản lý sát sao của phụ huynh đối với con em mình là hết sức quan trọng. Chỉ giao cho sử dụng phương tiện phù hợp với lứa tuổi, đồng thời thường xuyên nhắc nhở con em mình tuân thủ tuyệt đối Luật Giao thông đường bộ.
>>Lái xe ngược chiều trên cao tốc phải bị trừ hết 12 điểm trên giấy phép lái xe
Dự kiến thay đổi màu sắc của giấy phép lái xe từ năm 2026, màu mới vô cùng độc đáo
Từ tháng 1/2025, 3 trường hợp sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe, người dân đặc biệt lưu ý