Giới đầu tư đổ tiền mua tài sản chống lạm phát

20-12-2021 11:46|Yến Hương

Giới đầu tư đang đổ tiền vào các tài sản phòng thủ lạm phát như trái phiếu chính phủ, các sản phẩm chứng khoán của quỹ đầu tư hàng hóa, tín quỹ đầu tư bất động sản.

Lạm phát là thách thức lớn trong 2022

Tại Hội thảo "Thị trường chứng khoán 2022 - Chiến lược phân bổ tài sản và đầu tư hiệu quả" mới đây, ông Matthew Smith, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam nhận định rằng, xu hướng thị trường năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực; tuy nhiên lạm phát vẫn sẽ là vấn đề thách thức lớn cần được giải quyết.

Tín hiệu tích cực đầu tiên được ông Smith đưa ra là yếu tố cơ bản tốt như chính sách tài khóa, tiền tệ, thu nhập cổ phiếu cao. Theo Bloomberg, dự báo tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) mang tính dự phóng cho 2022 khoảng 25% và 21% cho 2023. Theo Yuanta, dự báo EPS kỳ vọng là 21% cho 2022 và 20% cho 2023.

Tín hiệu thứ hai là yếu tố cơ sở như thanh khoản được dự báo vẫn tốt, khối lượng giao dịch tăng. "Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp trong lịch sử, khiến cho nhà đầu tư chuyển tài sản sang đầu tư thay vì để tiền tiết kiệm trong ngân hàng", ông nói.

Thứ ba là yếu tố tâm lý, nhà đầu tư vẫn đang rất lạc quan. Tài khoản cá nhân trong nước đang tăng lên cùng với nhận thức về tài chính của tầng lớp trung lưu đang phát triển ở Việt Nam. Theo ông Smith, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2022. Ông cho rằng, với chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất tiền gửi thấp, nhà đầu tư sẽ đưa tiền đầu tư vào chứng khoán.

Ông Matthew Smith cho rằng lạm phát có thể sẽ là thách thức lớn trong 2022. Ngoài ra, nói về việc phân bổ tài sản như thế nào cho hợp lý, chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho rằng không nên giữ tiền mặt nhiều. Theo đó, nhà đầu tư nên giữ cổ phiếu, những tài sản cũng sẽ tăng giá trị khi lạm phát tăng như bất động sản, kim loại quý. Nhà đầu tư nên phân bổ vốn, không đầu tư tất cả vào một rổ, như một cách bảo hiểm khoản đầu tư.

Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng năm 2022, ngành bất động sản được hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng, ở trong khu đô thị cũng như ngoại thành với việc phát triển hệ thống cao tốc, metro…

Giới đầu tư đổ tiền mua tài sản chống lạm phát

Lạm phát tăng cao, giới đầu tư thế giới cũng đang đổ xô rót tiền vào các tài sản phòng thủ lạm phát như trái phiếu chính phủ, các sản phẩm chứng khoán của quỹ đầu tư hàng hóa, tín quỹ đầu tư bất động sản.

Theo Financial Times, trong năm nay, giới đầu tư đã rót số tiền kỷ lục hơn 66 tỷ USD vào các quỹ nắm giữ chứng khoán chống lạm phát của Chính phủ Mỹ, một loại trái phiếu có mệnh giá tăng giảm tương ứng với mức tăng giảm của lạm phát.

Ở Anh, nhu cầu đầu tư vào các tài sản chống lạm phát mạnh đến mức vào tháng trước, đợt bán đấu giá lô trái phiếu chính phủ chống lạm phát trị giá 1,1 tỷ bảng Anh, đáo hạn vào năm 2073 đã thu hút giới đầu tư đặt mua với mức lợi suất thấp nhất và mức giá cao kỷ lục.

Ngoài ra, các "tài sản thực" như hàng hóa hoặc bất động sản cũng được giới đầu tư chú ý. Một quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa trị giá 4,5 tỷ USD của Công ty Quản lý Đầu tư Invesco đang nắm giữ các hợp đồng tương lai theo dõi hàng hóa bao gồm: đồng, dầu thô và đậu nành, đã hút ròng 2,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay. Riêng tháng 10, dòng vốn đổ vào quỹ này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Tiền mã hóa cũng thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư đang tìm cách bảo toàn giá trị tài sản trước áp lực lạm phát. Tuy nhiên, giá Bitcoin giảm mạnh kể từ đầu tháng 11.

Trong khi đó, vàng, vốn được coi là nơi trú ẩn tài sản an toàn trong những thời kỳ lạm phát tăng cao, đã không được giới đầu tư đánh giá cao khi các quỹ hoán đổi danh mục vàng hàng đầu trên toàn cầu bị rút ròng hơn 10 tỷ USD.

Các tín quỹ đầu tư bất động sản cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư ở Mỹ vì chúng chủ yếu tạo ra thu nhập thông qua tiền cho thuê nhà, vốn có xu hướng tăng cùng với lạm phát. Dòng vốn chảy vào các tín quỹ bất động sản ở Mỹ đang phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục khi chính quyền cho phép người thuê hoãn đóng tiền thuê nhà trong những tháng đầu của đại dịch.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Lạm phát, lãi suất và tỷ giá: Cơ sở ổn định kinh tế Việt Nam năm 2025

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gioi-dau-tu-do-tien-mua-tai-san-chong-lam-phat-130437.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giới đầu tư đổ tiền mua tài sản chống lạm phát
    POWERED BY ONECMS & INTECH