Dù chỉ chiếm 1% dân số nhưng giới siêu giàu đã thâu tóm khoảng một nửa tổng số tài sản mới được tạo ra của nhân loại.
Trong báo cáo "Sự tồn tại của những người giàu nhất" công bố hôm 16/1, tổ chức phi chính phủ Oxfam cho biết trong đại dịch và những năm khủng hoảng chi phí sinh hoạt sau đó, nhóm 1% giàu nhất thế giới ghi nhận tài sản tăng 26.000 tỷ USD (tăng 63%). Trong khi đó, phần còn lại của thế giới chỉ tăng 16.000 tỷ USD (37%).
Cứ mỗi USD mà một người trong nhóm 90% người nghèo nhất kiếm được, thì một tỷ phú đã kiếm được gần 1,7 triệu USD. Tổng tài sản của các tỷ phú đang tăng thêm 2,7 tỷ USD mỗi ngày và gấp đôi trong 10 năm qua. Trong đó, tài sản ngành năng lượng và thực phẩm tăng vọt trong năm 2022.
Báo cáo cho thấy 95 tập đoàn thực phẩm và năng lượng đã thu về mức lợi nhuận tăng gấp đôi trong năm 2022. Họ đã kiếm được 306 tỷ USD lợi nhuận bất thường và chi trả 257 tỷ USD (84%) từ khoản lợi nhuận đó cho các cổ đông giàu có.
Nhà Walton, chủ sở hữu một nửa Walmart, đã nhận về 8,5 tỷ USD trong năm ngoái.
Khối tài sản của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, chủ sở hữu của các tập đoàn năng lượng lớn, đã tăng 42 tỷ USD (46%) chỉ riêng trong năm 2022. Siêu lợi nhuận của các tập đoàn thúc đẩy ít nhất 50% lạm phát ở Australia, Mỹ và Anh.
Trong khi đó, ít nhất 1,7 tỷ người lao động đang sống ở các quốc gia có tốc độ lạm phát nhanh hơn tăng lương và hơn 820 triệu người phải nhịn đói đi ngủ. Phụ nữ và trẻ em gái - những người được ăn ít nhất và phải ăn sau những người khác - chiếm gần 60% số người nghèo đói trên thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nhân loại sẽ phải chứng kiến bất bình đẳng và nghèo đói tăng mạnh nhất trên toàn cầu kể từ sau Thế chiến II.
Hàng loạt nước đang đối mặt với tình trạng phá sản. Những nước nghèo nhất hiện chi tiền trả nợ nhiều gấp 4 lần chi cho y tế. Và 3/4 chính phủ toàn cầu đang lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu công trong 5 năm tới.
"Trong khi người bình thường phải hy sinh nhiều sản phẩm thiết yếu, như thực phẩm, giới siêu giàu đã có được những thứ vượt xa kỳ vọng của họ. Chỉ mới 2 năm, chúng ta đã trên đà ghi nhận thập kỷ thịnh vượng nhất từ trước đến nay với các tỷ phú", Gabriela Bucher – Giám đốc Oxfam International nhận xét.
Tổ chức này vì thế kêu gọi tăng thuế với người siêu giàu. Việc giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp suốt nhiều thập kỷ qua đã nới rộng bất bình đẳng giàu nghèo. Oxfam cho rằng người nghèo ở nhiều quốc gia còn chịu thuế suất cao hơn tỷ phú.
Họ ví dụ Elon Musk – một trong những người giàu nhất thế giới – thực sự chỉ trả thuế khoảng 3% trong giai đoạn 2014 – 2018. Trong khi đó, Aber Christine – một người bán rong ở Uganda – kiếm được 80 USD một tháng và phải trả thuế tới 40%.
Việc đánh thuế nhóm siêu giàu và các tập đoàn lớn sẽ là lối thoát cho tình trạng đa khủng hoảng hiện nay. 40 năm cắt giảm thuế cho giới siêu giàu đã cho thấy "thủy triều không đỡ mọi loại thuyền, nó chỉ nâng các siêu du thuyền cao hơn mà thôi”.