Giới trẻ Việt Nam nói gì sau một năm đầu tư chứng khoán?

15-01-2022 10:25|Trần Trung

Đầu tư cổ phiếu để có được nguồn thu nhập thụ động, bổ sung cho nguồn thu nhập chính. Thế nhưng không phải nhà đầu tư Gen Z nào cũng hiểu rõ điều này khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán.

Thế hệ Gen Z là thế hệ ưa thích công nghệ, họ lớn lên trong thời đại của điện thoại thông minh, của ứng dụng di động nên có cơ hội tiếp cận thông tin về tài chính dễ dàng hơn so với thế hệ cũ, từ đó am hiểu và tham gia vào các sản phẩm tài chính nhiều hơn, trong đó đặc biệt là tìm kiếm nguồn thu nhập thụ động từ việc đầu tư chứng khoán.

Để tích lũy tài chính, một trong những cách truyền thống nhất là tiết kiệm ngay khi còn trẻ. Càng thực hiện tiết kiệm sớm, cuộc sống về già sẽ càng dễ thở hơn. Tuy vậy, kênh tiết kiệm ngày càng trở nên bớt hấp dẫn khi số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy tiền gửi dân cư có xu hướng tăng chậm lại đáng kể trong khoảng 5 năm qua. Đặc biệt, trong khoảng 1 năm trở lại đây môi trường lãi suất thấp kỷ lục đã không còn hấp dẫn với nhiều người gửi tiền nữa.

Với độ nhạy bén về tài chính và đầu tư, thế hệ Gen Z đã lựa chọn nhiều phương án đầu tư khác nhau để tăng tích lũy từ các nguồn thụ động, đáng kể nhất là đầu tư vào tiền kỹ thuật số và chứng khoán

Cảm nhận của người trẻ:

Dưới đây là một số cảm nhận của người trẻ sau một năm 2021 "sinh hoạt" trên thị trường chứng khoán.

Đặng K.C. (sinh năm 1998, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi quyết định thử chơi chứng khoán vì muốn tìm cách tăng thu nhập cá nhân trong dịch. Biết được người bạn thân cũng đầu tư, tôi xin theo học hỏi và chuẩn bị cho khoản đầu tư đầu tiên. Ban đầu, người thân tôi cũng lo lắng, liên tục dặn dò ‘phải biết điểm dừng’”.

Là một nhà đầu tư F0 thuộc Gen Z, K.C. từng vấp phải nhiều nghi hoặc từ người thân, bạn bè và một số người chơi dày kinh nghiệm hơn.

“Tôi không quá bận tâm, miễn sao đầu tư có hiệu quả là được. Ai cũng phải bắt đầu từ con số 0, quan trọng là tôi phải tự tin, học hỏi thường xuyên, không thể đầu tư mà trong đầu không có tí kiến thức nào”.K.C. từng vấp phải nhiều nghi hoặc từ người thân, bạn bè.

Toàn Nguyễn (sinh năm 1998, Hà Nội): Thay vì tham gia lớp chứng khoán, anh học cách chơi từ bạn bè và người thân. Chàng trai cho biết ban đầu, anh gặp khó khi học cách đánh giá mã chứng khoán, cũng như nhìn và nhớ các loại biểu đồ kỹ thuật

“Vì chuyên ngành học trước đây cũng không liên quan đến loại hình đầu tư này, tôi đã mất nhiều thời gian để làm quen. Tuy nhiên theo thời gian, mọi thứ dần trở nên trơn tru hơn. Sau khi nắm được lối chơi cơ bản, tôi có thể tự tìm hiểu thông tin và đầu tư theo ý mình”, anh chia sẻ.

Minh Khánh (sinh năm 1997, Hà Nội), nhân viên truyền thông, khẳng định đầu tư chứng khoán đem lại “món lời” lớn về kiến thức đầu tư, cho anh cái nhìn khác về thị trường.

“Hiện các danh mục của tôi đều lãi nhưng ít, khoảng 4 - 10% khoản đầu tư. Song, chứng khoán không phải nguồn thu nhập chính của tôi. Tôi đơn giản chỉ tìm kênh gửi tiền có mức lãi suất cao hơn ngân hàng và vàng”, anh nói.

Trong quá trình đầu tư, Minh Khánh rút ra một số bài học khiến anh lưu tâm. Chẳng hạn, người mới dễ nghiện xem biểu đồ cổ phiếu và tìm hiểu thông tin ngoài lề, dẫn đến mất thời gian làm những công việc khác.

“Ngoài ra, người mới chơi thường bị dao động tâm lý khi cổ phiếu giảm sâu, dẫn đến bán tháo hay cắt lỗ. Tuy nhiên, vài ngày sau, cổ phiếu đó có thể phục hồi, thậm chí tăng, khiến nhà đầu tư rơi vào tình trạng ‘mất hàng’”.

Trà My (sinh năm 1997, Hà Tĩnh) nói rằng, quá trình tìm hiểu, thử đầu tư chứng khoán giúp cô rút ra nhiều bài học.

“Mỗi mã tôi mua khoảng 100 cổ phiếu, sau 2 - 3 tháng thì vài mã đã có lãi và dùng khoản đó đầu tư tiếp. Sau 4 tháng tìm hiểu, tôi nhận ra rằng để có lợi nhuận, số tiền bỏ ra phải tương ứng chứ không thể hy vọng có lãi gấp 2 - 3 lần nhanh chóng”.

Trà My cho rằng chứng khoán không phải sân chơi dễ dàng mà cần sự suy tính, học hỏi không ngừng.

“Ngày càng nhiều người trẻ như tôi quan tâm và muốn bỏ tiền đầu tư để có thêm thu nhập, đặc biệt sau dịch. Tôi nghĩ mọi người cần suy tính kỹ càng, tiếp nhận thông tin có chọn lọc và kiên nhẫn khi chơi chứng khoán”.

Nguyễn Hoàng Hải Nam (sinh năm 1999, Đà Nẵng) chia sẻ: “Là một ‘tay mơ’, tôi khá thận trọng khi mua vào, bán ra cổ phiếu. Tôi trích 1/3 thu nhập hiện tại để đầu tư, với 70% cho mục tiêu dài hạn và phần còn lại để ‘lướt sóng’. Tới nay, lợi nhuận thu về chưa lớn, nhưng may mắn chưa bị âm tài khoản lần nào”, anh cười, nói.

Dễ dàng kiếm thu nhập ‘khủng’ trong thị trường lao động bùng nổ, GenZ giàu hơn tất cả các thế hệ trước?

'Nỗi buồn' Gen Z Trung Quốc: Ở nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng tiền ăn phải tính sao không quá 350 nghìn, 'quà vặt' cũng phải chờ giảm giá mới mua

Galaxy A35 và A55: Smartphone hàng đầu dành cho Gen Z

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gioi-tre-viet-nam-noi-gi-sau-mot-nam-dau-tu-chung-khoan-121599.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Giới trẻ Việt Nam nói gì sau một năm đầu tư chứng khoán?
POWERED BY ONECMS & INTECH