Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì các vị thế đã mở trong những phiên trước, tránh mua đuổi và có thể nâng thêm một phần tỷ trọng nếu chỉ số về lại vùng hỗ trợ đã đề cập với trọng tâm là nhóm dẫn dắt có triển vọng kinh doanh hồi phục khả quan trong nửa cuối năm 2021 hoặc ít chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trên cơ sở mức định giá hợp lý và đà hồi phục trên thị trường chung.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 22/7/2021
Kết phiên giao dịch 22/07, VN-Index tăng 22,88 điểm lên 1.293,67 điểm, HNX-Index tăng 1,72% lên 305,97 điểm, UPCoM-Index tăng 1,51% lên 85,57 điểm.
Thanh khoản HOSE ở mức hơn 536 triệu cp (tăng 19%), giá trị hơn 17,000 tỷ đồng (tăng 6%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (308 mã tăng/ 79 mã giảm).
Khởi đầu phiên giao dịch ngày 22/07/2021, VN-Index giao dịch giảm nhẹ với khối lượng khớp lệnh rất thấp. Tuy nhiên, bất chấp sự thận trọng của đa số nhà đầu tư, chỉ số VN-Index đã tăng điểm một cách tương đối ổn định trong phần còn lại của phiên sáng. Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 13.16 điểm. Đà tăng chậm rãi nhưng chắc chắn của chỉ số được duy trì sang phiên chiều và tiếp tục nới rộng sắc xanh thêm gần 10 điểm nữa. Qua đó, giúp chỉ số VN-Index kết phiên ở mức 1,293.67 điểm, tiến sát tới mức điểm quan trọng là 1,300 điểm.
VN30-Index giao dịch rất tích cực khi chứng kiến sắc xanh hiện diện trên 29 mã cổ phiếu. Cổ phiếu KDH có mức tăng kịch trần, theo sau đó là FPT, VRE, VHM và BVH. Ngoài ra, VNM và MSN cũng tăng lần lượt 1.8% và 0.7%. Chỉ có riêng cổ phiếu hàng không VJC là dậm chân tại chỗ. Cả rổ VN30 không có cổ phiếu nào giảm giá trong phiên ngày 22/07/2021.
Xét theo mức độ đóng góp, VHM, VIC, GVR và VCB cùng nhau đóng góp tổng cộng hơn 7 điểm tăng cho VN-Index. Ngoài 4 cổ phiếu tiêu biểu trên, GAS, VNM, CTG hay BCM cũng là những cổ phiếu đóng góp tích cực vào đà tăng của thị trường.
Xét theo nhóm ngành, ngành chế biến thủy sản có mức tăng ấn tượng nhất khi tăng gần 5%. Lợi nhuận của các công ty chế biến thủy sản không tốt như kỳ vọng do chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí liên quan đồng loạt tăng đột biến. Tuy nhiên, có vẻ như những thông tin không mấy tích cực trên đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong giai đoạn trước. Trong phiên 22/07/2021, các cổ phiếu đầu ngành chế biến thủy sản như VHC và ANV tăng mạnh gần 6%. Sắc xanh còn xuất hiện ở các cổ phiếu nhỏ hơn: FMC, IDI, ACL,…
Nhóm ngành sản xuất nhựa và hóa chất tăng hơn 3%, với 21 mã tăng giá, 10 mã tham chiếu và chỉ 14 mã giảm giá. GVR tăng 4.3%, DGC tăng 5.37%, PHR tiến 1.53%,.... Sau khi cho ra kết quả kinh doanh quý 2 rất tích cực nhờ vào giá bán phân bón tăng mạnh trong thời gian qua, DCM tăng 4.06%. Cổ phiếu DPM cũng kết phiên trong sắc xanh với mức tăng 2.08%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ đỡ kéo thị trường đi lên, duy nhất KLB ghi nhận mức giá giảm, còn lại toàn bộ nhóm ngân hàng kết phiên với sắc xanh bao trùm. Nhóm vốn hóa lớn là VCB, CTG, TCB đều tăng trên trưởng 1%. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như VAB, SSB, EIB có ngưỡng tăng trên 5% trong phiên.
Việc giá dầu thế giới tăng mạnh đã kích thích nhóm dầu khí với hàng loạt cổ phiếu bứt phá mạnh. PVS tăng đến 5,7%, OIL tăng 5,1%, PVD tăng 2,3%.
Tuy nhiên, thận trọng vẫn là dấu hiệu dễ thấy trên thị trường hôm nay. Thanh khoản thị trường khá èo uột với tổng giá trị giao dịch sàn HoSE mới đạt chưa đầy 17.800 tỷ đồng. Dường như dòng tiền lớn vẫn đang chờ một sự khẳng định từ thị trường để có những phiên thanh khoản đột biến hơn.
Giao dịch khối ngoại hôm nay tiếp tục là một điểm trừ khi bán ròng 497 tỷ đồng, đặc biệt là họ tiếp tục xả mạnh cổ phiếu VIC với giá trị xấp xỉ 450 tỷ đồng.
Danh sách các mã cổ phiếu được khối tự doanh mua vào trong phiên hôm nay VHM (9,9 tỷ đồng), VNM (6,1 tỷ đồng), MSN (2,7 tỷ đồng.Chiều ngược lại, hai cổ phiếu VIC và VCB được khối tự doanh tập trung bán ròng với giá trị lần lượt là 29,1 tỷ đồng và 26,6 tỷ đồng
Trên góc độ phân tích kĩ thuật
VN-Index - Đà tăng đang được duy trì
Trong phiên giao dịch ngày 22/07/2021, VN-Index xuất hiện mẫu hình nến gần giống White Closing Marubozu và sắp lấp đầy mẫu hình Falling Window ngày 19/07/2021. Tín hiệu này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bớt bi quan và bên mua đang chiếm lại được ưu thế.
VN-Index đã vượt lên trên đường SMA 100 ngày. Trong thời gian tới, nếu đà tăng được tiếp diễn thì chỉ số sẽ có thể tiến lên test lại đường SMA 50 ngày. Tại đây cũng có sự hiện diện của đường Middle của Bollinger Bands nên sẽ là kháng cự quan trọng.
Chỉ báo Stochastic Oscillator đã rời khỏi vùng quá bán (oversold) sau khi cho tín hiệu mua. Điều này càng ủng hộ cho đà tăng của chỉ số.
Tuy khối lượng giao dịch đã tăng hơn phiên trước đó nhưng vẫn cách khá xa mức trung bình 20 phiên gần nhất. Điều này cho thấy dòng tiền không quá mạnh mẽ.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh dài dạng ‘Marubozu’ với giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn MA5 ngày và MA10 ngày là tín hiệu khá tích cực.
Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế. Do đó, chúng tôi cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.295-1.300 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.305-1.310 điểm.
Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.285-1.290 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.275-1.280 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục duy trì các vị thế đã mở trong những phiên trước, tránh mua đuổi và có thể nâng thêm một phần tỷ trọng nếu chỉ số về lại vùng hỗ trợ đã đề cập với trọng tâm là nhóm dẫn dắt có triển vọng kinh doanh hồi phục khả quan trong nửa cuối năm 2021 hoặc ít chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trên cơ sở mức định giá hợp lý và đà hồi phục trên thị trường chung.
Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư có thể chú ý tới: GVR, KBC, VGT.
Bài viết thể hiện nghiên cứu và quan điểm riêng của nhóm tác giả, 24H Money không chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà nhà đầu tư gặp phải khi sử dụng những thông tin trên trong hoạt động đầu tư. Để được tư vấn, khuyến nghị thêm về thị trường từ Team IPM, độc giả có thể tham gia vào room tư vấn: tại đây