Ngay sau khi các quy định và hướng dẫn đã được ban hành tại Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã có những bước đi đầu tiên trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, với kỳ vọng giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, giảm chi phí vốn và góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thực hiện, sẵn sàng cho việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất.
Theo đó, hơn 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất sẽ được giải ngân từ ngân sách nhà nước trong năm 2022 – 2023, tương đương với 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được hỗ trợ lãi suất 2%. Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Ngay sau khi các quy định và hướng dẫn đã được ban hành tại Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã có những bước đi đầu tiên trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo đó, ngân hàng thương mại sẽ cần phải đăng ký hạn mức hỗ trợ dự kiến tham gia chương trình này với Ngân hàng Nhà nước để chờ duyệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, Agribank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất công bố thông tin về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 31/5, chỉ tính riêng các khoản vay đã cam kết giải ngân, đã có tới gần 100.000 tỷ đồng thuộc nhóm 11 đối tượng được ưu tiên. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng khoảng 6.000 tỷ đồng trong gói 40.000 tỷ đồng này.
Agribank đã huy động 15.000 lượt cán bộ trực tiếp tham gia và triển khai chương trình, đồng thời rà soát lại các khách hàng đã giải ngân và dự kiến giải ngân.
Tại Vietcombank và VietinBank, lãnh đạo ngân hàng ước tính các đối tượng hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ chiếm khoảng 30% tổng quy mô tín dụng hiện hữu. Với tổng dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, giá trị khoản vay được hưởng hỗ trợ tại mỗi ngân hàng sẽ đạt trên 300.000 tỷ đồng.
Tại BIDV, có hơn 10.000 khách hàng hiện hữu đáp ứng đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất với gần 200.000 khoản vay. BIDV cũng đã xây dựng phần mềm phục vụ riêng cho chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đại diện ngân hàng cho biết nhà băng này đã đăng ký hạn mức hỗ trợ 2.000 tỷ đồng trong 2 năm, tương đương với quy mô tín dụng 100.000 tỷ đồng, đồng thời có chương trình tập huấn cho các chi nhánh trong hệ thống ngân hàng. Đây là một trong những ngân hàng tư nhân đăng ký hạn mức lớn đã công bố hiện nay.
Lãnh đạo ngân hàng OCB và ngân hàng Bản Việt cho biết đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất lần lượt là 400 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệtvà dự kiến sẽ triển khai ngay trong tháng 7.
Tại ABBank, ông Nguyễn Mạnh Quân, Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, ABBank đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng kí hạn mức thực hiện hỗ trợ lãi suất là 572 tỷ đồng, tương đương với quy mô 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng hai năm đối với đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Tính đến tháng 5, dư nợ tín dụng của ABBank đạt 84.011 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm ngoái. Đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất này dự kiến chiếm khoảng 15% tổng dư nợ ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), để tránh rủi ro cho các tổ chức tín dụng khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư hướng dẫn hạch toán, về phần hỗ trợ lãi suất, thông thoáng hơn so với trước, tạo điều kiện cho ngân hàng triển khai được.
Ông nhấn mạnh doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này, đồng thời phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.
Bị cưỡng chế thuế 787 tỷ đồng, Thảo Cầm Viên Sài Gòn chỉ còn 70 tỷ đồng tiền mặt và gửi ngân hàng
Tổng Giám đốc Phạm Toàn Vượng được giao phụ trách Đảng bộ Agribank