Vì sao cổ phiếu ngân hàng lại là ‘miếng bánh ngon’ của các quỹ đầu tư?
Tổng hợp danh mục từ 35 quỹ đầu tư tại Việt Nam, cho thấy cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ lệ cao nhất.
Các quỹ đầu tư ưu ái cổ phiếu ngân hàng nhờ khả năng sinh lời ổn định, cổ tức cao và vai trò dẫn dắt kinh tế, bất chấp thị trường biến động.
Tại sự kiện Data Talk tháng 12 với chủ đề "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025", các chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn về sự ưu tiên đặc biệt dành cho cổ phiếu ngân hàng trong danh mục của các quỹ đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Founder của CKG, đã tổng hợp danh mục từ 35 quỹ đầu tư tại Việt Nam, cho thấy cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó, ACB xuất hiện trong danh mục của 32 quỹ, MBB có mặt tại 26 quỹ, và CTG được 20 quỹ nắm giữ.
Theo ông Dũng, khẩu vị đầu tư của các quỹ khác biệt rõ rệt so với nhà đầu tư cá nhân. Nếu các cá nhân thường e ngại cổ phiếu ngân hàng vì số lượng lưu hành lớn và tốc độ tăng giá chậm, các quỹ lại ưu tiên nhóm này nhờ tính ổn định, vai trò dẫn dắt kinh tế, và khả năng chi trả cổ tức hấp dẫn.
Trái ngược, những ngành được nhà đầu tư nhỏ lẻ ưa chuộng như bất động sản và chứng khoán ít được các quỹ nắm giữ. Trong nhóm bất động sản, chỉ có VHM (6 quỹ) và KDH (5 quỹ) xuất hiện với tỷ trọng rất nhỏ. Ngành chứng khoán chỉ có mã HCM được 4 quỹ lựa chọn.
Ông Lê Hoài Ân, Founder của IFSS, nhận định rằng bối cảnh kinh tế 2023 khó khăn nhưng đến 2024, ngành ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng khá bất ngờ. Tuy vậy, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm khi tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, khiến ngân hàng phải cẩn trọng trong chiến lược tăng trưởng.
Các quỹ đầu tư thường tập trung vào nhóm ngân hàng lớn với chiến lược rõ ràng. Ông Ân chia thành ba nhóm chính:
Ngân hàng quốc doanh (VCB, CTG, BID): Dẫn dắt thị trường nhờ quy mô và sự ổn định.
Ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp (TCB, MBB, HDB): Ghi nhận tỷ suất sinh lời cao nhất trong năm 2024, đặc biệt là LPB, TCB với mức tăng trung bình 27%.
Ngân hàng chuyên cho vay cá nhân (ACB, STB, VIB, TPB): Mức tăng giá trung bình 17%, thấp hơn do kinh tế khó khăn tác động đến nhóm khách hàng thu nhập thấp.
Mức sinh lời của các ngân hàng, nguồn: VietnamBiz |
Ông Ân cũng lý giải hiện tượng, năm qua khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán, nhưng áp lực nhỏ với nhóm ngân hàng. Trước đây, tăng trưởng tiêu dùng mạnh từ 2014 thúc đẩy ngân hàng tập trung mảng bán lẻ. Tuy nhiên, đến 2023, xu hướng này đổi chiều khi người dân giảm chi tiêu do tài sản "kẹt" trong bất động sản, kéo theo tăng trưởng tín dụng chững lại.
Tính đến quý III/2024, tỷ lệ cho vay doanh nghiệp tại các ngân hàng đã tăng lên rõ rệt. Chính sách Nhà nước cũng hướng đến việc đẩy tín dụng tư nhân thông qua hệ thống ngân hàng, mang lại lợi thế cho nhóm chuyên cho vay doanh nghiệp.
Đây cũng chính là lý do các quỹ đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng trong danh mục, bất chấp những biến động trên thị trường chứng khoán.
>> Một cổ phiếu ngân hàng được dự báo tăng gần 50% sau loạt động thái mới của NHNN
Một cổ phiếu ngân hàng được dự báo tăng gần 50% sau loạt động thái mới của NHNN
Nhập cuộc đường đua cổ tức hàng nghìn tỷ đồng, cổ phiếu ngân hàng vững đà dẫn sóng thị trường