Tập đoàn SpaceX nói với chính phủ rằng không thể tiếp tục viện trợ và duy trì các thiết bị Starlink phát Internet cho Ukraine.
Hệ thống liên lạc Starlink được phát triển bởi SpaceX - công ty của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Ông Musk kể từ tháng 3 kích hoạt dịch vụ băng thông rộng vệ tinh Starlink và gửi khoảng 20.000 thiết bị tới Ukraine, hỗ trợ quân đội nước này duy trì liên lạc trên chiến trường, khi mạng điện thoại di động và mạng Internet của Ukraine bị phá hủy trong xung đột.
Đến nay, khoảng 20.000 thiết bị kết nối internet vệ tinh Starlink đã được SpaceX tặng cho Ukraine. Tuy nhiên, tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập và giám đốc điều hành SpaceX, cho biết trên Twitter rằng, chương trình này đã tiêu tốn của tập đoàn hơn 80 triệu USD và có thể vượt quá 100 triệu USD trước cuối năm nay.
Như vậy, “gói từ thiện” này có thể sắp kết thúc, SpaceX đồng thời khuyến cáo rằng Lầu Năm Góc nên “đóng góp” hàng chục triệu USD nếu muốn tiếp tục chương trình hỗ trợ này cho Ukraine.
Theo CNN, ban lãnh đạo SpaceX đã gửi một lá thư đến Lầu Năm Góc hồi cuối tháng 9 và bày tỏ không thể tiếp tục tài trợ dịch vụ này thêm nữa. Trong lá thư, SpaceX đề nghị Lầu Năm Góc tài trợ chương trình Starlink cho chính phủ và quân đội Ukraine, chi phí có thể lên đến 120 triệu USD từ nay đến cuối năm và khoảng 400 triệu USD cho 12 tháng tới.
"Chúng tôi không thể viện trợ thêm thiết bị cho Ukraine, cũng như không thể duy trì hoạt động của thiết bị hiện có", thư từ giám đốc phụ trách kinh doanh với chính phủ của SpaceX gửi Lầu Năm Góc có đoạn.
Theo số liệu SpaceX gửi tới Lầu Năm Góc, 85% trong số 20.000 thiết bị Starlink chuyển cho Ukraine được Anh, Mỹ, Ba Lan và các tổ chức khác tài trợ hoặc tài trợ một phần.
Nhưng phần tốn kém hơn nhiều là khả năng duy trì băng thông liên tục. SpaceX nói họ đã cung cấp mức dịch vụ cao nhất cho Ukraine với chi phí 4.500 USD/tháng trên một thiết bị và chịu 70% phí dịch vụ.
SpaceX đưa ra tuyên bố trong bối cảnh Ukraine lo ngại về lập trường của Elon Musk khi vị tỷ phú này trong thời gian qua có một số bài đăng trên Twitter bày tỏ quan điểm cá nhân về một “kế hoạch hòa bình”. Tỷ phú hôm 3/10 đăng trên Twitter đề xuất Ukraine nên nhượng bộ Nga về vấn đề bán đảo Crimea, tổ chức lại các cuộc trưng cầu sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào Nga dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và Kiev đồng ý giữ tình trạng trung lập. Ông kêu gọi người dùng Twitter bình chọn về đề xuất của ông, với kết quả đa phần là phản đối.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mỉa mai đề xuất của Musk trên Twitter, trong khi Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk nói rằng "cút đi là phản hồi rất mang tính ngoại giao của tôi gửi đến Elon Musk".
Ngày 7/10, giới chức Ukraine thông báo thiết bị Starlink bị mất kết nối Internet tại nhiều khu vực giao tranh phía đông với Nga, gây tê liệt liên lạc hoàn toàn.
Trong suốt nhiều tháng chiến sự, hệ thống Starlink của SpaceX được đánh giá là có vai trò quan trọng tại Ukraine. Chính phủ tại Kiev, quân đội Ukraine và các tổ chức phi chính phủ cũng như dân thường đã dựa vào những thiết bị nhỏ gọn, dễ sử dụng và hiện đại do SpaceX sản xuất để liên lạc, kết nối internet, điều khiển máy bay không người lái…
Trung Quốc lo ngại Starlink có thể được sử dụng cho mục đích quân sự
Internet vệ tinh Trung Quốc thách thức Starlink ngay ‘sân sau’ nước Mỹ
Cựu Thủ tướng Đức Merkel lo ngại về ảnh hưởng của tỷ phú Elon Musk với ông Trump