GS Đặng Hùng Võ: 'Nhà ở xã hội ở Việt Nam hiện nay đã có giá gấp đôi 10 năm trước'
Lý giải nguyên nhân khủng hoảng của thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định lý do là ách tắc lớn nhất của thị trường bất động sản nằm ở quy hoạch và pháp luật.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ: "Khủng hoảng thị trường bất động sản bắt đầu từ hệ thống pháp luật". Ảnh nguồn: Internet |
Khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, trong gần 2 năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh.
Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" khi dự án đình trệ, dòng tiền tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.
Về vấn đề này GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để “giải cứu” thị trường bất động sản, cần có sự vào cuộc quyết liệt và đặc biệt là thông minh của toàn hệ thống chính trị. Lý do là ách tắc lớn nhất của thị trường bất động sản nằm ở quy hoạch và pháp luật. Trong đó, chúng ta chưa định hình quy hoạch trong phát triển thị trường bất động sản.
Theo quan điểm cuả ông Võ, cách xây dựng pháp luật hiện nay vừa thừa vừa thiếu, cách xây dựng quy hoạch chưa rõ ràng. Trong khi đó trên thế giới quy định rất rõ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là quy hoạch chiến lược, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch vùng. Đến quy hoạch đô thị và nông thôn mới là quy hoạch chi tiết.
Theo chuyên gia Đặng Hùng Võ, cơ hội phát triển bất động sản còn rất lớn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, 20% dân số không đủ tiền mua nhà, 60% tiếp theo chỉ đủ tiền mua nhà ở xã hội, mà nhà ở xã hội chỉ tính ở Việt Nam hiện nay đã có giá gấp đôi 10 năm trước.
“Trong khi giá nhà cao, chúng ta lại chỉ dùng gói hỗ trợ tín dụng thấp hơn 1,5 - 2% so với tín dụng thương mại. Và chỉ có 20% người đủ tiền mua nhà ở trung cấp và cao cấp, trong đó 8% đủ tiền mua nhà ở cao cấp”, ông Võ chia sẻ.
Để gỡ khó phần nào cho thị trường, Luật sư Đoàn Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CEO Group kiến nghị cho phép người nước ngoài là đối tượng sử dụng đất. Cần tạo điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, bất động sản du lịch theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng bộ giữa Luật Đất đai với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
“Hầu hết các nước trên thế giới đều có các cơ chế phát triển đặc khu kinh tế. Thậm chí có những đặc khu kinh tế rất hấp dẫn mà các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển. Vì vậy, nếu có thể, chúng ta cũng nên xem xét một vài khu kinh tế ven biển để phát triển thành đặc khu kinh tế”, ông Bình nêu.
Cũng theo chuyên gia này, theo quan sát hạ tầng trên thế giới, các sân bay không chỉ là nơi đi lại mà ở đó còn là nơi mua sắm, vui chơi, giải trí. Và quan trọng nhất là trở thành điểm đến của khu vực. Đặc biệt, sân bay là cỗ máy kiếm tiền và mang du khách đến đất nước.
Do đó, nếu sân bay Long Thành sắp tới làm được điều này sẽ rất tốt để thu hút thêm khách du lịch, nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.
Ông Bình cũng nói rằng việc phát triển tàu cao tốc chỉ 200km/giờ là đang lạc hậu, vì nhiều nước trên thế giới, và gần ta nhất là Trung Quốc đã xem xét có những tàu siêu tốc có tốc độ 1.000km/giờ.
Bình Định kiên quyết thu hồi dự án chậm trễ
Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi cán bộ có ô tô nên trả nhà ở xã hội đang thuê