Hạ chuẩn cho vay để "chữa bệnh thừa tiền", chuyên gia nói gì?
Chuyên gia cho rằng, thà ngân hàng chịu lãi suất thấp, lợi nhuận giảm hoặc thậm chí lỗ chứ không thể hạ chuẩn tín dụng.
Mới đây, cử tri tỉnh Bắc Ninh đã có kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp chỉ đạo, điều hành, một mặt hạ chuẩn cho vay, đồng thời gắn trách nhiệm với các ngân hàng địa phương vì ngân hàng là bên cho vay nhưng một số ngân hàng có tâm lý sợ sai nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, không đạt yêu cầu về tiến độ.
Tuy nhiên, về kiến nghị hạ chuẩn cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận; khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ; TCTD quyết định xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của TCTD.
PSG. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viên Tài chính nhận định, về mặt nguyên tắc, điều kiện về tín dụng là phương án tối thiểu để đảm bảo an toàn về vốn cho một khoản vay, đồng thời đảm bảo an toàn về vốn cho ngân hàng nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung.
PSG. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viên Tài chính |
Ông Thịnh chia sẻ, trong mọi trường hợp, không thể hạ thấp điều kiện cho vay. Nếu hạ thấp những điều kiện này, ngân hàng rất dễ gặp rủi ro. Khi một ngân hàng vỡ nợ sẽ kéo theo cả hệ thống sụp đổ, nguyên tắc domino của hệ thống ngân hàng mang hậu quả rất khủng khiếp, nên buộc NHNN phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện để cho doanh nghiệp vay vốn.
Theo đó, ông Thịnh khẳng định, thà ngân hàng chịu lãi suất thấp, lợi nhuận giảm hoặc thậm chí lỗ chứ không thể hạ chuẩn tín dụng.
Với việc "thừa tiền" tại hệ thống ngân hàng hiện nay, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Nhà nước cần có giải pháp huy động những nguồn tiền ứ đọng này vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư công. Động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước khi mở lại kênh tín phiếu nhằm thu hút tiền về cũng góp phần giảm mức độ dư thừa của thanh khoản ngân hàng.
Ngoài ra, Chính phủ có nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ lớn trong năm nay, cũng như cho phép đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu. Trong bối cảnh lãi suất bấp bênh, ngân hàng đang thừa vốn như hiện tại, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu.
Ông Thịnh cũng đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, ngân hàng nên số hóa và đơn giản thủ tục ở mức tối đa để giảm thời gian xem xét, cấp vốn vay cho người vay.