Ở góc độ tổng thể, nền kinh tế sẽ có tác động từ việc hạ lãi suất điều hành, nhưng cần có thời gian để thẩm thấu, ít nhất từ 3-6 tháng trong bối cảnh các biến số ở bên ngoài không thay đổi quá nhiều.
Độ trễ chính sách
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% áp dụng từ ngày 25/5, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vay và cho vay trong hệ thống ngân hàng.
Về tác động tới thị trường, có thể thấy sau khi hạ lãi suất điều hành, thị trường thường phản ứng rất tích cực. Ở thời điểm năm 2020, mỗi lần hạ lãi suất điều hành xuống thấp, thì chỉ số VN-Index tăng lên rất cao và ngược lại. Nhưng trong năm nay, kể cả ba lần hạ lãi suất điều hành thì chỉ số VN-Index vẫn chỉ đi ngang.
Thực tế, vai trò của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ và mang tính chất định hướng, tuy nhiên còn phải xem lãi suất thực trên thị trường có giảm không, đó mới là vấn đề ảnh hưởng đến biến động của thị trường thực. Trong đó có liên quan đến tỷ lệ chi phí huy động vốn (COF), cho biết ngân hàng phải huy động vốn với mức lãi suất bình quân là bao nhiêu.
Vậy thực sự những quyết định của NHNN tác động đến thị trường như thế nào? Thứ nhất, trên thị trường 1, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của các nhóm ngân hàng ở thời điểm trước khi NHNN tăng lãi suất, mức trung bình khoảng 3-3,5%. Hiện tại, tất cả các lãi suất này đều đang rất cao, vì vậy chi phí đầu vào sẽ giảm, nhưng không giảm bằng trước đây.
Với kỳ hạn 6 tháng, hiện tại chỉ có nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước là giảm lãi suất, còn ngân hàng thương mại cổ phần có thị phần lớn, hoặc ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, thì đang nhận với mức lãi suất rất cao khoảng 7%.
Ở kỳ hạn 12 tháng, trước khi NHNN tăng lãi suất thì mức trung bình chỉ khoảng 6%, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nó vẫn rất cao, đặc biệt lúc đỉnh điểm lãi suất lên đến 9%, thậm chí cao hơn ở một số ngân hàng.
Do không biết chắc được môi trường lãi suất sẽ ra sao, nên khi huy động vốn, các ngân hàng phải cạnh tranh rất lớn về dòng tiền chi phí cao, kỳ hạn dài để dành cho các hoạt động đảm bảo thanh khoản và cho vay.
Theo góc nhìn của tôi, chi phí vốn huy động của các ngân hàng hiện còn cao. Khi chính sách giảm lãi suất được ban hành ở thời điểm tháng 10/2022 thì phải mất khoảng 6 tháng nền kinh tế mới có sự phản ánh rõ rệt. Vì vậy, chính sách ban hành trong khoảng tháng 3 đến tháng 5 này, thì độ trễ ít nhất phải gần hết quý 3 năm nay mới có đủ thời gian thẩm thấu.
Thứ hai, trên thị trường 2, các ngân hàng cũng không dư thanh khoản và họ vẫn đang vay và gửi với nhau ở mức lãi suất cao là 5%.
Chính vì vậy, lãi suất điều hành là một chuyện, tác động có đi vào thị trường hay không lại là một chủ đề cần phải phân tích kỹ lưỡng hơn. Thực tế, ngành ngân hàng đang gặp rất nhiều vấn đề, đơn cử như đến ngày 30/9 và từ 1/10/2023 thì tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiếp tục giảm về 30%, dẫn đến chi phí vốn của ngân hàng tiếp tục cao.
Việc hạ lãi suất ở góc độ tổng thể nền kinh tế sẽ có tác động, nhưng chính sách tiền tệ bao giờ cũng cần thời gian để thẩm thấu, ít nhất từ 3-6 tháng và hy vọng, các biến số ở bên ngoài không thay đổi nhiều nữa.
Chúng ta đang chờ đợi hai biến số rất quan trọng là vào ngày 1/6 tới đây, liệu Mỹ có nâng trần nợ công hay không? Mặc dù họ sẽ giải quyết được vấn đề đó, nhưng còn vấn đề tiếp theo là quyết định này có ảnh hưởng ra sao đến các quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Hiện tại, lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ và lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam đang tương đương nhau, khiến chúng ta sẽ có một số áp lực về tỷ giá, hoặc một số vấn đề khác cần xem xét.
Tác động với doanh nghiệp
Về tác động tới khu vực doanh nghiệp, nhìn một cách tổng quan, tăng trưởng GDP sẽ gồm bốn cấu phần đó là: Tiêu dùng của người dân; Đầu tư của doanh nghiệp và nền kinh tế; Chi tiêu của Chính phủ và Xuất nhập khẩu.
Với chính sách hỗ trợ của NHNN thì chỉ tác động rất nhỏ đến người tiêu dùng, mọi người cũng đều nhìn thấy vấn đề suy thoái kinh tế đến từ cấu phần xuất nhập khẩu giảm, chi tiêu của người dân và đầu tư vào doanh nghiệp sụt giảm... và khi đang trong vòng xoáy như vậy, thì giảm lãi suất của NHNN sẽ có tác động thấp hơn.
Tôi kỳ vọng năm nay, chi tiêu của Chính phủ có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn, cũng như phải có ngay biện pháp để cải thiện các vấn đề về xuất nhập khẩu. Đây là các vấn đề chúng ta không kiểm soát được do phụ thuộc vào nhu cầu của thế giới.
Riêng về việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, thì đây không phải là một mệnh lệnh hành chính. Sẽ rất khó cho ngân hàng để vừa đảm bảo lợi ích của cổ đông, của ngân hàng với lợi ích của nền kinh tế. Nếu có những tác động thực sự, thì các khoản vay ngắn hạn dưới 6 tháng sẽ được sự hỗ trợ trong thời gian tới.
Chúng tôi mong muốn các ngân hàng có thể tiết giảm chi phí hoạt động, hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn, để lãi suất cho vay có thể giảm xuống dưới mức 10%. Quá trình này có thể không đến sớm, bởi các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro do nợ xấu tăng cao. Hy vọng thời gian sớm nhất có thể vào cuối quý 2, đầu quý 3 với các chính sách hỗ trợ quyết liệt, trong bối cảnh chúng ta không có cú sốc từ bên ngoài, hay Fed sẽ không tăng lãi suất nữa.
Tuy nhiên, Fed chỉ là một yếu tố trong bài toán cần phải giải của NHNN, vì ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn có quan điểm rõ ràng về việc tăng lãi suất bởi lạm phát của họ quá cao.
Có thể thấy, chúng ta mong muốn chính sách tiền tệ sẽ giải quyết được mọi vấn đề, mà cứ hạ lãi suất là mọi việc sẽ ổn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang kỳ vọng quá nhiều vào các chính sách tiền tệ, khi vừa muốn hỗ trợ tăng trưởng, vừa phải kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá nhưng không cho tỷ lệ nợ xấu tăng cao, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Trong khi quý 2 và quý 3 năm nay, thị trường sẽ đón nhận một đợt kỷ lục về các trái phiếu đáo hạn.
Tôi cho rằng, việc thực hiện chính sách tiền tệ thì không thể thiếu sự kết hợp của chính sách tài khóa, giống như việc vỗ tay không thể chỉ bằng một bàn tay.