Đón Tết Nhâm Dần, những người làm vận tải vẫn đang gánh thật nhiều âu lo…
Cận Tết, lại di chuyển vào ngày chủ nhật nên người dân tất tả ra bến để lên xe sớm lấy chỗ.
Tại bến xe Gia Lâm (Hà Nội), người dân bất ngờ vì đìu hiu, vắng vẻ khác thường. Chuyến xe giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Cao Bằng của nhà xe Thanh Ly với hơn 30 chỗ nhưng xuất bến chỉ có 6 người - kể cả lái xe, phụ xe. Vừa nhắc khách xịt cồn rửa tay, khai báo y tế, bác tài quay sang nói với phụ xe: “Tết này lại đói rồi!”
Từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, trừ thời gian dừng hẳn vì giãn cách, từ tháng 10 đến nay, các nhà xe chỉ chạy cầm chừng. “Trước đây, Thanh Ly có 4 xe giường nằm chạy bến Mỹ Đình, 2 xe chạy bến Gia Lâm, nhưng hiện tại Mỹ Đình chỉ chạy 2 xe, xe ở Gia Lâm chỉ đỗ bến đón khách và làm nhiệm vụ trung chuyển khách ra ghép với xe Mỹ Đình. Từ 6 xe chạy, giờ còn 2 xe mà chuyến nào cũng chỉ vài ba khách…” - bác tài ngao ngán.
Được biết, tuyến Hà Nội - Cao Bằng trước kia mỗi ngày riêng bến xe Mỹ Đình có tới hơn 10 xe chạy, nhưng hiện tại chỉ còn 3 xe. Trong đó, Thanh Ly là một trong những nhà xe lâu năm và rất có uy tín. Vì dịch bệnh, Thanh Ly cũng rơi vào tình trạng mòn mỏi chờ khách, trong khi các chi phí không hề giảm. “Trung bình chi phí cho một chuyến xe lên là 6,7 triệu đồng - xăng tăng giá, chi phí tăng lên hơn 7 triệu đồng/chuyến. Xe đã xuống là phải về, đã đỗ bến là mất tiền.
Đơn cử như để xe đỗ trong bến, xếp lốt đợi khách, mỗi ngày cũng hết hơn 400.000 đồng, chưa kể tiền ăn nghỉ, tiền công của lái, phụ xe. Với giá vé đang thu là 300.000 đồng/khách, mỗi chuyến chỉ được trên dưới 10 khách như hiện nay thì nhà xe lỗ dài” - tài xế ước tính.
Cũng theo chia sẻ của bác tài thì mặc dù ít khách nhưng nhà xe vẫn phải duy trì giữ lốt ở bến xe, để khách khi cần đi xe nhớ là có chuyến giờ này, ở đó… Như chuyến xe hôm nay, hơn chục khách đi từ bến Mỹ Đình và Gia Lâm đều là khách quen của Thanh Ly, họ đều xuống Hà Nội và quay trở lại Cao Bằng với lý do đi khám bệnh hay có những công việc chẳng thể đừng.
Tại các bến xe như Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa… đang có rất nhiều nhà xe chạy cầm chừng, giữ khách, giữ lốt như nhà xe Thanh Ly. Dịch dã kéo dài, khách khứa thưa vắng, cả chủ xe, lái xe, phụ xe đều ngao ngán…
Tuy nhiên, muốn bỏ cuộc lúc này cũng không dễ khi mà giá trị mỗi chiếc xe khá lớn (đều 1 vài tỷ đồng), đăng ký được 1 lốt ở các bến xe cũng không hề đơn giản. Không chỉ với xe chạy từ các bến, các loại xe khác như xe Limousine 9 chỗ, 16 chỗ đón khách tận nơi, trả khách tận nhà - nay cũng rơi vào tình cảnh “đói khách” vì dịch bệnh. Nhiều chuyến, hành khách phải chấp nhận, thông cảm đợi dồn chuyến, đi muộn hơn vì nhà xe thừa nhận “không thể chạy đúng giờ vì chỉ có 1 khách!”.
Thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều lao động đã về quê từ những lần giãn cách trước đó; học sinh, sinh viên cũng chưa quay trở lại trường học trực tiếp; cộng thêm các ca F0 tăng nhanh dẫn đến tâm lý người dân lo ngại khi di chuyển bằng xe khách.... nên lượng khách tại các bến xe giảm mạnh - mặc dù lượng xe chạy tại các bến chỉ còn 30% so với trước khi có dịch. Tình trạng này dự kiến sẽ khá hơn khi người dân bắt đầu được nghỉ Tết. Tuy nhiên, bao giờ các bến xe lấy lại “phong độ” như trước kia, có lẽ vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác.
Còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nhâm Dần, tại các bến xe, xe vẫn đỗ đợi khách, mỗi nhà xe đều đã in sẵn tờ khai y tế để hành khách điền vào trước khi lên xe, phục vụ cho quá trình di chuyển về quê của hành khách được thuận lợi.
Trước giờ xuất bến, thay vì cố nhồi nhét khách như trước kia; giờ đây, các lái, phụ xe chỉ biết chờ đợi và hi vọng: Chờ đợi có thêm những người khách dắt díu nhau mua vé lên xe về quê ăn Tết và hi vọng dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm chấm dứt để các bến xe tấp nập trở lại trước khi “sức chịu đựng” của các chủ xe cạn kiệt.