Trong những ngày vừa qua, phải nói người dân Hà Nội rất may mắn khi chính quyền đã có những quyết định kịp thời để ngăn chặn một đợt dịch lớn bùng phát trong cộng đồng.
Những ổ dịch ẩn giấu, ổ dịch tại các khu vực dễ lây lan, dịch trong các chuỗi cung ứng được phát hiện liên tục đã cho thấy thực tế: Chỉ cần Hà Nội chủ quan và giãn cách chậm 1 tuần thì hậu quả sẽ thật khó lường.
Nguyên nhân chính là do tốc độ và khả năng lây lan quá nhanh của các biến chủng mới. Nếu như trước kia, với tốc độ lây lan vừa phải của SARS-CoV-2, khi một ổ dịch được phát hiện, chúng ta có đủ thời gian để khoanh vùng, truy vết và cách ly tất cả các trường hợp liên quan. Giờ đây việc đó đã gần như là không thể.
Sau 2 tuần giãn cách, Hà Nội vẫn liên tục rà soát được các ca nhiễm mới trong cộng đồng. Những ca nhiễm này đương nhiên không thuộc về nhóm những người từ miền Nam về nữa. Họ đã bị lây nhiễm từ những ca F0 trước đó. Và trước khi được phát hiện, họ cũng đã kịp lây cho một số người khác giờ đang tiếp tục ở trong cộng đồng.
Theo lý thuyết cũ, cần khoảng 2 - 3 tuần để các ca F0 có biểu hiện sức khỏe và được tìm thấy. Nhưng giờ đây, khi họ được tìm thấy thì các ca F1 bị lây nhiễm lại đang mới bắt đầu quá trình ủ bệnh, và sẽ lại cần 2 tuần tiếp theo để phát hiện, cứ thế, vòng lặp sẽ tiếp tục kéo dài.
Qua thực tế 2 tuần giãn cách xã hội cho thấy rằng, cầm cự được với biến chủng mới, khiến chúng không lây lan rộng đã là một thành công rất lớn. Nhưng dường như với chiến lược hiện tại, việc loại trừ Covid khỏi cộng đồng để yên tâm mở cửa trở lại sẽ trở nên vô cùng khó khăn, bởi chỉ cần một ca F0 bất kỳ lọt ra cũng có thể đánh bay tất cả thành quả chống dịch của chính quyền và người dân. Nếu giãn cách quá lâu, Hà Nội có thể phải đối mặt với nhiều bất ổn về kinh tế và đời sống người dân.
Một thách thức nữa, đó là các vaccine hiện có tuy góp phần làm giảm tác động lên cơ thể, nhưng không thể ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Bằng chứng là các đợt dịch mới tại các nước đã tiêm vaccine với tỷ lệ cao. Như vậy Việt Nam cũng không thể nào lệ thuộc hoàn toàn vào vaccine và coi đó là giải pháp triệt để.
Trong lúc này, tôi nghĩ đến việc chống dịch nên kết hợp 3 giải pháp sau đây:
Giải pháp 1: Tiếp tục tiêm vaccine như TP Hà Nội đang làm hiện tại, cho phép xã hội hóa việc tiêm vaccine dịch vụ nếu như nó không làm cản trở quyền tiếp cận lượng vaccine hiện có của cộng đồng.
Giải pháp 2: Khuyến khích sử dụng kit test nhanh trong thời gian giãn cách
Trong suốt thời gian vừa qua, tuy Bộ Y tế có cấp phép nhưng cơ bản không khuyến khích người dân sử dụng các bộ kit test nhanh. Điều này là có lý do, bởi các kit test nhanh không cho kết quả chính xác mà khi được khoảng 70 - 80% như đã kiểm chứng. Sử dụng test nhanh sai cách có thể gây ra sự chủ quan và để lọt các ca covid tại những khu vực quan trọng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong bối cảnh giãn cách xã hội thì ngược lại, kit test nhanh rất có tác dụng về sàng lọc. Nếu mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ quan đều có sẵn kit test nhanh, và kiểm tra định kỳ sẽ góp phần tăng thêm cơ hội phát hiện F0. Tuy rằng test nhanh không chuẩn 100% nhưng trong một doanh nghiệp có 10 ca nhiễm thì thế nào cũng có trường hợp được phát hiện.
Tất nhiên, kit test nhanh cũng không rẻ và chính quyền không thể cung cấp cho tất cả mọi người. Hãy để các doanh nghiệp thiết yếu còn đang hoạt động, những người dân có điều kiện, những người đang sống gần khu vực có dịch chủ động mua và sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế. Tôi tin rằng các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí này, vì phát hiện sớm chính là cơ hội giúp doanh nghiệp không bị ngừng sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Hiện tại, ai ở đâu đang ở yên đó, việc chủ quan do test nhanh gần như được loại bỏ. Nếu test nhanh cho kết quả dương tính thì cơ quan y tế sẽ thực hiện xét nghiệm để xác nhận và cách ly kịp thời. Bởi thế, tôi cho rằng kêu gọi người dân test nhanh (trong giãn cách) là biện pháp hiệu quả hơn so với khai báo y tế và chờ các biểu hiện ho sốt.
Giải pháp 3: Xây dựng các tầng điều trị Covid từ nhẹ đến nặng như TP Hồ Chí Minh đã làm. Nhưng Hà Nội nên cải tiến thành các mô hình "trung tâm điều trị cộng đồng" chứ đừng nên gom hết thu dung vào một chỗ như Sài Gòn.
Cụ thể: Mỗi xã, phường có thể trưng dụng 1 trường học/công sở lớn đang bỏ trống, chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân covid nhẹ hoặc không triệu chứng tại xã phường mình.
Mỗi quận, huyện có một trung tâm điều trị dành cho các bệnh nhân cần được chăm sóc y tế thường xuyên. Còn Thành phố chỉ tập trung điều trị cho các ca nặng và nguy kịch.
Việc chia tách trách nhiệm cách ly, điều trị về từng địa phương sẽ mang lại 2 lợi ích lớn. Một là không tập trung quá nhiều bệnh nhân hay các F cần cách ly tại một khu vực để tránh quá tải và lây nhiễm tại nơi cách ly.
Hai là tận dụng nguồn lực tại chỗ của các địa phương và nhân dân. Nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng có thể nhanh chóng được người nhà mang đến và hỗ trợ khi cần. Đương nhiên giữa các quận huyện cũng cần có một cơ quan điều phối, nắm bắt tình hình, để khi một quận huyện sắp quá tải thì các trung tâm ở quận huyện khác cùng san sẻ.
Trên thực tế. có nhiều ca F0 biểu hiện nhẹ, sức khỏe tốt hoàn toàn có thể tự hồi phục dưới sự hướng dẫn, giám sát của các bác sĩ. Vậy thì họ có thể được điều trị ngay tại trung tâm cộng đồng chứ không cần Thành phố đến đón đi và chăm sóc cho từng trường hợp. Nếu Hà Nội chuẩn bị sẵn các trung tâm điều trị cộng đồng ngay từ bây giờ thì sẽ không lo lắng về trường hợp các F0 không được điều trị kịp thời nữa.
"Tăng tốc vaccine - Test nhanh chủ động - Điều trị cộng đồng" có thể sẽ là chiến lược cho Hà Nội vào lúc này?
Chưa bao giờ, Hà Nội cần đoàn kết và tinh thần chống dịch, ý thức cộng đồng cũng như sự đùm bọc lẫn nhau như lúc này. Chúc cho các lực lượng chống dịch được mạnh khỏe và bình an. Mong rằng Hà Nội sẽ đứng vững và chúng ta sẽ sớm gặp nhau trở lại một ngày gần nhất!