Hà Nội: Công an vào cuộc vụ trả đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn
Trước sự việc có khách hàng trả giá đất đấu giá cao bất thường lên đến 30 tỷ đồng/m2 ở huyện Sóc Sơn sau đó bỏ cọc, UBND huyện Sóc Sơn đã giao công an huyện vào cuộc điều tra.
Thông tin mới nhất trên báo Công Lý cho biết, ngày 30/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn xác nhận đã có báo cáo gửi UBND huyện Sóc Sơn về người trả giá đất đấu giá lên đến 30 tỷ đồng/m2, sau đó bỏ đấu giá.
Trước đó, theo báo Công Thương, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân tổ chức đấu giá 58 thửa đất, diện tích từ 98-224m2/thửa, ở thôn Đông Lai (xã Quang Tiến).
Theo đó, mức giá khởi điểm được đưa ra là 2.488.000 đồng/1m2, bước giá 3 triệu đồng/1m2. Tiền đặt cọc đấu giá từ 44-111 triệu đồng (bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm). Đấu giá 6 vòng bắt buộc.
Phiên đấu giá 58 thửa đất trên địa bàn xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Ảnh: Báo Công Lý |
Mặc dù vậy, tại vòng đấu thứ 5, một số thửa đất mà các khách hàng phải trả đều cao bất thường, trong đó có khách hàng P.N.T trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất (lô A12, A13, C6).
Trường hợp khác là khách hàng N.V.D trả giá 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất (B1, B10, B11, B12, B19, C7, A7, A8, A9, A10, A15, A16, A17).
Ngoài ra, hai khách hàng là N.T.Q và N.T.T trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất (A2, A3, A4, A5, A6, B13, B14, B15, B16, B17).
>> Chính phủ phản hồi về đề xuất mở thêm ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giữa Thanh Hóa và Nghệ An
Tại vòng đấu giá thứ 6 (vòng đấu cuối cùng), có 36 thửa đất không được khách hàng tiếp tục trả giá, trong khi 22 thửa đất còn lại có người trả giá.
Kết thúc phiên đấu giá, 22 trong tổng số 58 thửa đất đã được đấu giá thành công.
Mức giá trúng thầu thấp nhất là 32,4 triệu đồng/m2 và cao nhất là 50,4 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ 22 thửa đất này là 112,2 tỷ đồng.
Liên quan đến sự việc trên, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện tiến hành điều tra và làm rõ các hành vi gây nhiễu loạn kết quả của phiên đấu giá đất diễn ra vào ngày 29/11.
Đối với 36 thửa đất không thành công trong phiên đấu giá, do không có khách hàng nào tiếp tục trả giá trong vòng đấu cuối, UBND huyện Sóc Sơn thông báo sẽ tổ chức lại phiên đấu giá cho các lô đất này vào tuần tới.
Thời gian qua, tình trạng đầu cơ đất đai, đặc biệt là việc "thổi giá" đất đấu giá, đã trở thành vấn đề nhức nhối tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Không ít trường hợp tham gia đấu giá đất chỉ với mục đích “lướt sóng”, không quan tâm đến giá trị thực tế của mảnh đất.
Họ tham gia các cuộc đấu giá với tâm lý trúng rồi bán lại ngay để kiếm lời, hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường không diễn biến như kỳ vọng.
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp khác tham gia đấu giá với mục đích tạo “sốt” đất, lợi dụng việc đặt cọc để “thổi giá” các khu đất liền kề.
Những nhà đầu tư này bất chấp rủi ro, sẵn sàng thanh toán đầy đủ số tiền đã trúng đấu giá, chỉ để hợp thức hóa việc sở hữu lô đất và sau đó lấy mức giá này làm căn cứ để đẩy giá đất ở khu vực xung quanh.
Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, cho biết hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập các hội, nhóm để tham gia đấu giá, trả giá đất cao gấp nhiều lần so với mức giá khởi điểm, rồi sau đó có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá, nhằm thiết lập một mặt bằng giá “ảo” tại khu vực để kiếm lời, đã trở nên phổ biến.