Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt

10-07-2023 14:59|PV

Hà Nội đã ra Quyết định phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024.

Ảnh minh họa

Việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố được chia thành các giai đoạn cụ thể.

Theo đó, đối với hộ dân, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá 10m3 nước đầu tiên (hộ/tháng) được điều chỉnh từ 5.973 đồng/m3 tăng lên 7.500 đồng/m3; từ trên 10-20m3 là 8.800 đồng; từ trên 20-30m3 là 12.000 đồng; từ trên 30m3 là 24.000 đồng.

Từ năm 2024 sẽ là 8.500 đồng/m3 đối với 10m3 đầu tiên; từ trên 10-20m3 là 9.900 đồng; từ trên 20-30m3 là 16.000 đồng; từ trên 30m3 là 27.000 đồng.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, phục vụ công cộng, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 9.955 đồng/m3 tăng lên thành 12.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 13.500 đồng/m3.

Đối với đơn vị hoạt động sản xuất vật chất, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 11.615 đồng/m3 tăng lên thành 15.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 16.000 đồng/m3.

Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 22.068 đồng/m3 tăng lên thành 27.000 đồng/m3; từ năm 2024 sẽ là 29.000 đồng/m3.Đặc biệt, đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 đầu tiên vẫn được giữ nguyên theo mức giá cũ là 5.973 đồng/m3.

Phương án điều chỉnh giá nước sạch của thành phố Hà Nội

Với mức giá đã được điều chỉnh, đối với hộ gia đình, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10-16 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm là từ 15.000 – 26.000 đồng/tháng; ở khu vực nông thôn (6-8 m3/hộ/tháng) thì số tiền phải chi thêm từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng. Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72%.

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Trên thực tế, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn TP và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội đến nay đã thực hiện được 10 năm.Giá nước sạch được Thành phố áp dụng 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai các dự án cấp nước sạch.... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân). Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Theo đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.

Hiện nay, tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng, trong đó tiền lương tối thiểu vùng tăng 99,14%, mức lương cơ sở tăng 29,56%.

Bên cạnh đó, chi phí điện năng tăng 29,7%; các loại thuế, phí điều chỉnh tăng như thuế Tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% đến 5%, chi phí thuế tài nguyên tăng 122,2%; chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng tăng 30%; đồng thời, từ năm 2017 đã bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước theo quy định của Chính phủ.

Bệnh viện đầu tiên ở Tây Nam Bộ ‘biến’ nước mặn thành nước sạch dùng cho y tế

Đưa nước sạch đến với người dân huyện Thường Tín

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/ha-noi-phe-duyet-phuong-an-dieu-chinh-gia-nuoc-sach-sinh-hoat-post136213.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt
    POWERED BY ONECMS & INTECH