Trước việc cổ phiếu CII hiện đã giảm khoảng 75% kể từ mức đỉnh ghi nhận trong phiên 7/1/2022, cổ đông hỏi "Vì sao công ty không mua cổ phiếu quỹ để đẩy giá?".
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã CII - HOSE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 748 tỷ đồng - tăng nhẹ so với mức 712 tỷ của cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp thu về gần 276 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của CII giảm sâu tới 76% YoY còn 217,3 tỷ; lãi từ công ty liên doanh liên kết đi ngang mức 20 tỷ đồng và khoản "thu nhập khác" tăng lên mức 7,8 tỷ.
Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động giảm nhẹ về còn 444,4 tỷ đồng. Sau cùng, Hạ tầng CII báo lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 đạt 34,8 tỷ - giảm tới 95% YoY (lãi ròng công ty mẹ đạt 7,1 tỷ đồng). Đây cũng là quý thứ 4 liên tiếp công ty ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.
Theo tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023, Hạ tầng CII lên kế hoạch doanh thu 5.155 tỷ đồng - giảm 31,4% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 469,3 tỷ -giảm 49,5% YoY. Công ty dự trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và giữ nguyên tỷ lệ này cho năm 2023.
Như vậy sau quý 1, CII đã thực hiện được 14,5% kế hoạch doanh thu và 1,5% chỉ tiêu lãi sau thuế công ty mẹ (dự kiến).
Mới đây, sáng 26/4, ĐHCĐ thường niên 2023 của Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đã diễn ra bất thành do chỉ ghi nhận 45,76% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết dự họp (không đủ tỷ lệ tối thiểu).
Đáng nói trước thềm Đại hội, CII đã áp chương trình khuyến khích cổ đông tham dự thông qua phần quà tri ân bằng tiền (tùy thuộc số cổ phần nắm giữ).
Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của CII tăng nhẹ lên mức 29.000 tỷ đồng trong đó lượng tiền/tương đương và tiền gửi chỉ còn 220 tỷ; danh mục chứng khoán minh doanh có giá trị 615,6 tỷ đồng (24 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Sài Gòn RiverFront); khoản phải thu ngắn hạn tăng lên 5.390 tỷ (đã trích lập dự phòng 170 tỷ đồng nợ xấu).
Nợ phải trả của công ty tăng lên mức 20.667 tỷ đồng - gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu - trong đó vay nợ tài chính tăng lên mức 15.232 tỷ (chiếm 73,7% tổng nợ). Việc vay nợ tài chính lớn khiến CII phải chịu khoản chi phí lãi vay tới 288 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua. Trước đó năm 2022, Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đã phải chi tới 1.120 tỷ đồng trả lãi vay.
Đến cuối quý 1/2023, CII đang ghi nhận dư nợ trái phiếu cả ngắn và dài hạn ở mức 3.612 tỷ đồng trong đó trái phiếu ngắn hạn là 776 tỷ.
Được biết công ty hiện đã tất toán xong 62% nợ trái phiếu phải trả trong năm 2023. Cuối tháng 7 và 8 tới đây, các lô trái phiếu CIIBOND2020-04 (giá gốc 800 tỷ) và CCI-H-20-23-006 (giá gốc 550 tỷ) sẽ lần lượt đáo hạn.
Bên lề ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra bất thành, lên quan đến kế hoạch phát hành 2 lô trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 10 năm để huy động 4.500 tỷ đồng phục vụ nguồn tài chính/thanh toán nợ tại một số dự án BOT được CII công bố hồi tháng 4 vừa qua, cổ đông hỏi: Nếu không phát hành được lô trái phiếu chuyển đổi thì sao?
Phúc đáp, ông Lê Quốc Bình - Thành viên HĐQT - Tổng Giám đốc CII cho biết: Nếu không phát hành thành công thì bao nhiêu tiền ngân hàng nuốt hết; có tiền nhưng không thể nhận nên cổ đông có thể phải đợi trả xong nợ ngân hàng mới được chia cổ tức.
Một cổ đông khác tiếp ý: "Tại sao không phát hành cổ phiếu mà lại là phát hành trái phiếu?".
Trả lời vấn đề trên, lãnh đạo Hạ tầng TP. HCM cho biết, cả 2 phương án huy động vốn này là như nhau. Khác biệt ở chỗ phát hành trái phiếu chuyển đổi thỏa mãn được 2 nhóm nhà đầu tư gồm trái chủ (muốn nhận tiền mặt) và những nhà đầu tư khác (muốn mua cổ phiếu).
Mặc dù ĐHCĐ thường niên 2023 diễn ra bất thành song Ban lãnh đạo CII vẫn tiếp nhận và giải đáp một số câu hỏi của cổ đông dự họp.
Vẫn trong chủ đề phát hành trái phiếu chuyển đổi, cổ đông chất vấn ban lãnh đạo: "Tại sao không phát hành trái phiếu cho cổ đông với lãi suất 15 - 18%/năm?".
Ông Bình cho biết: "Nếu doanh nghiệp phát hành với lãi suất 14 - 15%/năm thì trước sau gì cũng có chuyện. Cơ quan quản lý cũng sẽ đặc biệt chú ý khi có đơn vị phát hành lãi suất quá cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay".
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CII kết phiên 28/4/2023 tại mức 14.450 đồng. Rộng hơn, mã đã điều chỉnh trở lại trong 3 tuần gần nhất sau nhịp hồi lên mức 15.700 hồi đầu tháng 4.
Nếu tính từ mức đỉnh 57.900 đồng (giá sau điều chỉnh phiên 7/1/2022) cổ phiếu CII hiện đã giảm 75% giá trị; thanh khoản cổ phiếu cũng chỉ bằng phân nửa so với giai đoạn tạo đỉnh.
Theo đó cổ đông hỏi: "Vì sao công ty không mua cổ phiếu quỹ để đẩy giá cổ phiếu?".
Ông Lê Quốc Bình chia sẻ: Về giá cổ phiếu, có 2 khái niệm đầu tư và đầu cơ. Khi đầu tư, chúng tôi sẽ nghiên cứu doanh nghiệp rất kỹ. CII không thể nào chạy theo giá cổ phiếu được. Nếu đứng ra tạo ảnh hưởng thì sẽ làm mất yếu tố thị trường của cổ phiếu. Khi thị trường đánh giá quá thấp tiềm năng CII thì công ty mới mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, với thị trường hiện nay thì mua bao nhiêu cũng không cứu được.
Thế giới Di động làm gì khi gần 60.000 nhân viên nghỉ việc?
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán