Xã hội

Hà Tĩnh tìm cách xử lý hàng trăm trụ sở công bỏ hoang sau sáp nhập

Thiện Lương 19/07/2024 - 11:21

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các đơn vị, Hà Tĩnh có đến 245 trụ sở, tài sản công dôi dư, lãng phí. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị tìm phương án tháo gỡ.

Tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 18, ông Trịnh Văn Ngọc, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, qua rà soát sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, toàn tỉnh có 245 cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý. Trong đó, cơ sở dôi dư thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước quản lý là 11; 234 cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý.

Toàn tỉnh có 35 tài sản công của các cơ quan Trung ương, đã xử lý xong 15 tài sản. Tại huyện Can Lộc, trong số 3 trụ sở (Viện Kiểm sát huyện, doanh trại Ban chỉ huy Quân sự huyện, Chi cục Thuế) đã xử lý xong 2 tài sản, chỉ còn lại doanh trại Ban chỉ huy Quân sự huyện Can Lộc cũ.

Trịnh văn ngọc.jpg
Ông Trịnh Văn Ngọc, Giám đốc Sở Tài chính. Ảnh: ĐBND

“Tài sản dôi dư có thể được xử lý, điều chuyển cho các đơn vị sử dụng hoặc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quá trình xử lý do một số quy định hiện hành còn bất cập như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh. Một số tài sản được nhận định tổ chức bán không khả thi, không có người mua. Ngoài ra, trình tự, thủ tục bán tài sản chưa quy định rõ ràng. Một số cơ sở dôi dư bị bỏ sót trong quá trình rà soát nên chậm xử lý”, ông Ngọc cho hay.

Tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho biết, về việc giải quyết các trụ sở tài sản công, nhất là các trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính, toàn tỉnh đã tiếp nhận 49 cơ sở nhà đất không còn nhu cầu sử dụng của các bộ, ngành trung ương. Trong đó, 29 cơ sở đã bàn giao, 20 cơ sở đang trong quá trình rà soát.

UBND tỉnh đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp hơn 2.000 cơ sở nhà đất thuộc tỉnh quản lý, còn 145 cơ sở nhà đất đang xây dựng phương án quản lý. Nhiều trụ sở bỏ hoang, gây lãng phí.

Trịnh Văn ngọc2.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng. Ảnh: ĐBND

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay, đây là những hệ lụy mà tỉnh cần tìm những giải pháp khắc phục. Từ thực trạng trên, ông Hoàng Trung Dũng đề nghị UBND tỉnh phát huy vai trò của tổ kiểm tra, rà soát xử lý những trụ sở, tài sản công dôi dư và nêu cao trách nhiệm của các sở, ngành, tránh đùn đẩy, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm.

"Hiện nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang triển khai chủ trương xây dựng các trụ sở như ban chỉ huy quân sự, đơn vị công an... đề nghị các địa phương xem xét, rà soát việc sử dụng lại các trụ sở dôi dư được không? Chúng ta có thể tổ chức đoàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh thành trong xử lý vấn đề này. Một số địa phương như Đà Nẵng thực hiện rất tốt. Tỉnh kiến nghị với Chính phủ sửa đổi các quy định về việc xử lý tài sản công dôi dư sát hơn với thực tiễn", ông Hoàng Trung Dũng nói.

>> Hà Nội dự kiến đặt tên Trinh Tiết, Quán Tình... cho loạt tuyến đường mới

Hà Nội sau sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính: Huyện nào có diện tích lớn nhất?

Thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập và mở rộng: Tiến thẳng lên đô thị loại I

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ha-tinh-loay-hoay-xu-ly-hang-tram-tru-so-cong-bo-hoang-sau-sap-nhap-2303297.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hà Tĩnh tìm cách xử lý hàng trăm trụ sở công bỏ hoang sau sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH