Hai cha con hiến 7kg vàng cho Cách mạng từng được Bác Hồ ngỏ lời kết nghĩa anh em, là chủ của dinh thự 150 tỷ quyền lực nhất vùng cao nguyên đá một thời
Với lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, ông vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội trong khóa đầu tiên của nước ta vào năm 1946.
Người duy nhất được phong ‘Vua Mèo’
Vua Mèo tên thật là Vương Chính Đức (1865 – 1947), sinh ra tại làng Tra Pò, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, trong một gia đình nghèo thuộc chi thứ 6 của họ Vàng, dòng 33 bát. Thuở nhỏ, ông có tên là Vàng Dúng Lùng. Vì hoàn cảnh khó khăn, ông phải phiêu bạt khắp nơi để mưu sinh.
Vương Chính Đức từng cùng người H’Mông gia nhập tổ chức Hươu Nai tại Đồng Văn, chiến đấu chống lại quân Cờ Đen từ Trung Quốc. Trong quá trình chiến đấu, ông được người H’Mông tôn làm thủ lĩnh, gọi là Vua H’Mông hay Vua Mèo. Đến năm 1900, quân của Vua Mèo đã đánh bại hoàn toàn lực lượng quân Cờ Đen và làm chủ vùng đất Đồng Văn.
Lúc bấy giờ, Đồng Văn không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự mà còn là vùng sản xuất thuốc phiện lớn với sản lượng khoảng 20 tấn mỗi năm. Nhằm thôn tính vùng đất này, thực dân Pháp đã tìm mọi cách buộc người Mèo phải khuất phục.
Quân Pháp liên tục mở các chiến dịch tấn công vào Đồng Văn, nhưng Vương Chính Đức cùng người Mèo kiên cường kháng cự, đẩy lui nhiều cuộc tấn công. Tuy nhiên, đến năm 1909, khi quân Pháp tiến đánh Hà Giang từ hướng Cao Bằng, Vương Chính Đức bị thua trận và buộc phải rút lên núi, để lại Đồng Văn rơi vào tay quân Pháp. Từ đó, người Mèo bị bóc lột nặng nề, tài sản và sức lao động của họ bị vơ vét.
Trong suốt 4 năm, Vương Chính Đức tiếp tục lãnh đạo người Mèo đấu tranh chống lại thực dân Pháp. Trước sự kiên cường của dân tộc Mèo, vào tháng 10 năm 1913, Pháp buộc phải ký hòa ước với người Mèo tại Đồng Văn. Đây là bản hòa ước đầu tiên được ký kết bởi những người con của vùng cao nguyên đá. Từ đó, người Mèo được sống và làm ăn trong yên bình trên mảnh đất Đồng Văn tự trị.
Sau bản hòa ước, cộng đồng người Mèo tôn Vương Chính Đức làm Chính Vương. Vương Chính Đức cũng là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là vua Mèo và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Năm 1890, ông mời một thầy địa lý người Hán tên Trương Chiếu đi khắp Đồng Văn tìm địa điểm phù hợp để xây dựng dinh thự. Cuối cùng, Vương Chính Đức chọn Sà Phìn làm nơi "an cư". Dinh thự của Vua Mèo, rộng 1.200m², được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1903, trở thành một trong những công trình có quy mô lớn nhất thời bấy giờ. Công trình này được xây dựng bởi Tống Bách Giao, một người Hán đến từ Vân Nam (Trung Quốc), cùng với sự góp sức của những người dân tộc H'Mông, với tổng chi phí lên tới 15 vạn đồng bạc trắng, tương đương khoảng 150 tỷ đồng ngày nay.
Dinh thự được thiết kế như một pháo đài phòng thủ, với lớp tường đá dày 60-70 cm bao bọc xung quanh, cao 2 mét, và có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà còn có hai lô cốt kiên cố. Chính vì vậy, công trình này vẫn tồn tại vững chãi sau nhiều cuộc tấn công. Tổng thể dinh thự gồm 4 dãy nhà ngang, 6 dãy nhà dọc, chia thành 3 khu vực: tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 căn phòng nhỏ nằm trên hai tầng.
Được Chủ tích Hồ Chí Minh mời kết nghĩa
Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Hoàng Việt Hưng từ Cao Bằng đến Sà Phìn để thuyết phục cụ Vương Chính Đức tham gia cách mạng, chống Pháp, Nhật và quân Tưởng Giới Thạch.
Theo lời kể của ông Vương Duy Bảo, cháu nội của Vương Chí Sình: "Khi phát xít Nhật và thực dân Pháp xâm lược nước ta và tiến đánh Hà Giang, ông nội tôi, Vương Chí Sình, đã mua sắm vũ khí, lương thực và kêu gọi người dân trong vùng cùng đứng lên bảo vệ đất đai, chống lại quân xâm lược. Nhờ sự tín nhiệm của người dân, ông được tôn làm Thủ lĩnh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư mời cụ Vương Chính Đức về Hà Nội, nhưng vì tuổi cao, ông Đức đã cử con trai mình, Vương Chí Sình, thay mặt đi gặp Người."
Tại Hà Nội, Vương Chí Sình đã kết nghĩa anh em với Chủ tịch Hồ Chí Minh và được đặt tên mới là Vương Chí Thành. Trong buổi kết nghĩa, ông Vương Chí Sình cam kết sẽ sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ mảnh đất Đồng Văn và lãnh đạo người H'Mông theo Việt Minh. Ông còn hứa, khi đánh thắng quân Tây và Nhật, sẽ trao trả lại đất Đồng Văn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngân khố quốc gia lâm vào cảnh cạn kiệt. Để ủng hộ chính phủ, Vương Chí Sình đã quyên góp 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe cùng 7kg vàng. Cùng năm đó, để thể hiện tình cảm và lòng tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ông Bùi Công Trừng mang tặng ông Vương Chí Sình hai kỷ vật: một tấm áo trấn thủ và một thanh đao do xưởng quân giới Việt Bắc rèn, trên đó khắc dòng chữ "Tận trung báo quốc. Bất thụ nô lệ."
Kể từ đó, Vương Chí Sình đã vận động người dân trung thành với Đảng, từ bỏ những hủ tục lạc hậu, bỏ cây anh túc, và chuyển sang cuộc sống định canh định cư. Nhờ vậy, người H'Mông đã thoát khỏi cuộc sống tăm tối bên bờ mê muội của loài hoa thuốc phiện.
Với lòng trung thành tuyệt đối đối với Đảng, ông Vương Chí Sình vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội trong khóa đầu tiên của nước ta vào năm 1946. Vào năm 2006, ông được truy tặng Huân chương Đại đoàn kết Dân tộc để ghi nhận những đóng góp của ông.
Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận dinh thự họ Vương tại Sà Phìn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đến năm 2003, Bộ đã cấp hơn 10 tỷ đồng để trùng tu và bảo tồn di tích quan trọng này.
Người đàn ông Hà Nội phải mổ cấp cứu vì gia cố mái tôn trong bão gió
Thang máy chung cư HH Linh Đàm suýt ‘nuốt chửng’ người đàn ông