Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp tại Hải Phòng nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, nhanh chóng tiếp cận với mạng lưới sản xuất - kinh doanh trong nước, khu vực và thế giới.
Xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với nhân tài số và chuyển đổi số, sự tích hợp các công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp là xu thế toàn cầu. Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế; đồng thời, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ứng dụng công nghệ số đã và đang thay đổi đáng kể các mô hình kinh doanh truyền thống. Trên thị trường hiện nay cơ bản hình thành 2 nhóm nền tảng công nghệ chính gồm: nền tảng trao đổi và nền tảng sản xuất. 2 nền tảng công nghệ này hiện đang phát triển và mang lại hiệu quả lớn mạnh, vượt trội.
Theo báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” cho thấy, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.
Còn tại Hải Phòng, địa phương này hiện có hơn 37.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều doanh nghiệp với sức cạnh tranh còn thấp cũng trở nên khó khăn. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh trên cơ sở chuyển dần các hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống sang các phương thức dựa trên các nền tảng số.
Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Marketing, Công ty Cổ phần công nghệ Viindoo cho biết: “Xu hướng bán hàng qua kênh thương mại điện tử là tất yếu. Theo sách trắng thương mại điện tử có đưa ra doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 là 5 tỷ USD, đến năm 2021 là 13 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 39 tỷ USD. Điều này cho thấy sự tăng trưởng không ngừng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Bên cạnh đó, có 74,8% người dùng internet hiện nay tham gia vào quá trình mua sắm online. Điều này thể hiện sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện có xu hướng mua hàng online gia tăng. Như vậy, tiềm năng của thị trường rất nhiều và nó sẽ thúc đẩy cho quá trình bán hàng online, bán hàng thương mại điện tử gia tăng nhanh chóng”.
Thực tế hiện nay, ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh không còn quá mới trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận công nghệ số không hề đơn giản.
Theo bà Phạm Thị Sen Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, doanh nghiệp phải thực sự thấy được lợi ích của chuyển đổi số đem lại cho họ. Bản thân công nghệ số phải chứng minh là công cụ đắc lực để hoạt động kinh tế trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn thông qua đóng góp phần lớn vào sự gia tăng giá trị cho mọi sản phẩm khiến doanh nghiệp buộc phải nỗ lực thích ứng với công nghệ số.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tuân – Phó chủ tịch Hội Điện tử và Tin học Hải Phòng, Trưởng khoa CNTT trường Đại học Hàng hải Việt Nam, chuyển đổi số tức là áp dụng những công nghệ mới của công nghệ thông tin để tích hợp vào chiến lược mục tiêu và sản phẩm của doanh nghiệp, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin là một trong những rào cản trong quá trình chuyển đổi số.
Cần sự đồng hành từ các “nhà”
Hiện nay, việc áp dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp tại Hải Phòng nâng cao khả năng tiếp cận thông tin để vững tin trong việc ra quyết định, nâng cao hiệu quả phối hợp trong sản xuất - kinh doanh và cơ hội hòa vào mạng lưới sản xuất - kinh doanh trong nước, khu vực và thế giới; giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ kinh doanh với các đối tác.
Theo các chuyên gia nhận định, để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận công nghệ số, lựa chọn các nền tảng số và ứng dụng công nghệ thích hợp, cần có sự định hướng, đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc của các viện, trường, các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ông Nguyễn Hữu Tuân cho rằng: “Thường thì các doanh nghiệp và xã hội có sự nhận thức chung rằng trình độ của sinh viên khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải hiểu rằng, để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thì nó phải đến từ nhiều phía. Nếu doanh nghiệp muốn nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của mình thì doanh nghiệp phải kết hợp với các cơ sở đào tạo, nêu ra những vấn đề phía doanh nghiệp cần để các các cơ sở này đưa vào trong khoá học”.
Được biết, để cung cấp các thông tin, định hướng chính sách, chiến lược, các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ số đối với doanh nghiệp trong kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã phối hợp với Hội Điện tử và Tin học Hải Phòng tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh tạo sức cạnh tranh đột phá cho doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Sen Quỳnh cho biết: “Việc tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh tạo sức cạnh tranh đột phá cho doanh nghiệp không chỉ hướng tới mục đích trên mà còn tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp trong chặng đường chuyển đổi số sắp tới. Thông qua việc thảo luận và giới thiệu công nghệ bởi cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế số, về khoa học và công nghệ cũng như các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, giải pháp và các chuyên gia về thương mại điện tử sẽ có nhiều thông tin công nghệ được trao đổi, nhiều giao dịch công nghệ được xem xét đầu tư”.
Còn theo ông Vũ Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết: “Thời gian qua, TP Hải Phòng đã triển khai thử nghiệm 7 trạm sử dụng công nghệ 5G tại khu vực Tân Vũ, Đình Vũ, Trung tâm thành phố và hướng tới triển khai nhiều khu vực khác trên địa bàn TP Hải Phòng để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là phục vụ cho các doanh nghiệp trong KCN, cảng biển, doanh nghiệp logistics. Về cơ sở dữ liệu, TP Hải Phòng cũng tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành. Bởi khi có dữ liệu, các cơ quan nhà nước mới có thể cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó sẽ giảm các bước về giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân”.