Hai tập đoàn lớn dự kiến đầu tư hàng chục tỷ USD vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Sáng ngày 3/12, trong chương trình làm việc tại UAE, Thủ tướng đã tiếp ông Robert Helms, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (Anh).
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi và quản lý quỹ toàn cầu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch. Hiện nay, Tập đoàn đã phát triển và quản lý 50 GW, tương đương 28 tỷ USD tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Anh, Đức... và có kế hoạch đầu tư hơn 110 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Tại Việt Nam, CIP đã thành lập công ty liên doanh và 2 văn phòng đại diện để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu dự kiến là 10,5 tỷ USD.
Enterprize Energy (EE) là Tập đoàn đa ngành của Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng (gồm dầu khí, điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và nhiệt điện).
Tại Việt Nam, EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.
Tại buổi tiếp, lãnh đạo các tập đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo; trao đổi về các dự án hợp tác đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam với mong muốn đóng góp vào mục tiêu rất tham vọng của Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kinh nghiệm và năng lực của 2 tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và năng lượng mới; hoan nghênh tập đoàn đã đề xuất, cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan của Việt Nam để nghiên cứu, triển khai các dự án khả thi, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị COP 26, Việt Nam đã làm được 12 việc lớn để thực hiện các cam kết giảm phát thải ròng. Trong đó, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII và ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch này, trong đó khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, với nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực quản trị tham gia đầu tư các dự án điện tại Việt Nam. Việt Nam đã có thỏa thuận về bán điện tái tạo cho Singapore.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, góp ý xây dựng, hoàn thiện chiến lược, thể chế, triển khai các dự án cụ thể trên cơ sở quy hoạch, với các chính sách ưu tiên phù hợp (về thuế, giá, sử dụng đất, mặt nước, mặt biển…). Thủ tướng cho rằng cần phát triển đồng bộ cả về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện hiệu quả và bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp, hài hòa với các ngành khác. Nếu chỉ một bên có lợi còn bên kia thiệt hại thì cấu trúc hợp tác không tồn tại được, việc hợp tác không bao giờ bền vững.
Với các dự án cụ thể của các tập đoàn, Thủ tướng cho rằng cơ bản phù hợp với Quy hoạch Điện VIII, đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để nghiên cứu, triển khai hiệu quả các dự án đầu tư cụ thể.
Thủ tướng cho rằng các bên liên quan cần cầu thị lắng nghe ý kiến của nhau, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm hài hòa, hợp lý, nhất là về khâu tải điện và giá cả, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng đề nghị hành động nhanh chóng, triển khai, hoàn thành nhanh, gọn, dứt điểm một số dự án, sau đó rút kinh nghiệm và mở rộng triển khai các dự án khác.
Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các tập đoàn nói riêng đầu tư hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết điện gió xa bờ là một trọng tâm trong chuyển hướng chiến lược của Tập đoàn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn đang xây dựng danh mục dự án điện gió ngoài khơi, báo cáo cấp có thẩm quyền; triển khai đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này; hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới và trực tiếp đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về điện gió ngoài khơi, tiến tới tự chủ trong việc phát triển điện gió ngoài khơi.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam ước tính cần khoảng 120-140 tỷ USD để triển khai Quy hoạch điện VIII và thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 10 năm tới. Nhận thức được đây là một thách thức lớn, song là xu hướng tất yếu, đòi hỏi nguồn lực lớn và chiến lược bài bản, Việt Nam mong muốn các đối tác nước ngoài tiếp tục tham gia hỗ trợ, tham vấn chính sách, huy động các nguồn đầu tư, tài chính xanh và trực tiếp tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.