Hãng điện thoại Trung Quốc đã vượt mặt Samsung, Apple, giành thị phần cao nhất tại Việt Nam
Hãng này chiếm 18% thị phần tại Đông Nam Á với 16,9 triệu chiếc xuất xưởng, tăng trưởng 14% so với năm 2023.
Theo nghiên cứu mới nhất của Canalys, thị trường điện thoại thông minh Đông Nam Á đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 sau hai năm sụt giảm. Tổng lượng xuất xưởng đạt 96,7 triệu chiếc, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng trưởng toàn cầu 7%. Lần đầu tiên, OPPO - thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc - vươn lên dẫn đầu thị trường khu vực, chiếm 18% thị phần với 16,9 triệu chiếc xuất xưởng, tăng trưởng 14% so với năm 2023. Samsung đứng thứ hai với 16,6 triệu chiếc và 17% thị phần.
Tại Việt Nam, trong quý 4/2024, OPPO đã vượt mặt Samsung, trở thành thương hiệu điện thoại có thị phần lớn nhất với 25%. Samsung theo sát với 22%, trong khi Apple xếp thứ ba với 20%. Tương tự, OPPO cũng dẫn đầu tại Thái Lan, nhưng chia sẻ vị trí này với Apple khi cả hai đều nắm giữ 17% thị phần.
![]() |
OPPO vượt qua Samsung trở thành hãng điện thoại có thị phần cao nhất tại Việt Nam |
“Thị trường điện thoại thông minh Đông Nam Á đã phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, vượt xa mức tăng trưởng toàn cầu là 7%”, Nhà phân tích Le Xuan Chiew của Canalys cho biết.
“Hiệu suất mạnh mẽ của OPPO vào năm 2024 phản ánh thành công của công ty trong việc hiệu chỉnh sản phẩm và đầu tư vào phân khúc cao cấp”.
Dù tổng lượng xuất xưởng của Samsung giảm trong năm 2024, giá bán trung bình (ASP) của hãng lại tăng 14%, từ 285 USD trong quý 4/2023 lên 326 USD trong quý 4/2024. Chiến lược đẩy mạnh các dòng cao cấp như Galaxy A55 và Galaxy S-series đã giúp hãng duy trì lợi nhuận dù số lượng máy bán ra giảm. Trong khi đó, Apple ghi nhận mức tăng trưởng 15%, nhờ vào chiến lược mở rộng tại các thị trường mới nổi và hệ thống phân phối được củng cố.
Dù tăng trưởng ấn tượng, các thương hiệu vẫn đối mặt với thách thức về quản lý hàng tồn kho và tối ưu hóa lợi nhuận. Nhà phân tích Sheng Win Chow của Canalys cảnh báo rằng các mục tiêu bán hàng quá tham vọng có thể dẫn đến tồn kho dư thừa, buộc các hãng phải tung ra các chương trình khuyến mại mạnh tay để xả hàng, gây ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Ngược lại, nếu đánh giá sai nhu cầu, các thương hiệu có thể mất cơ hội mở rộng thị phần.
"Quản lý hàng tồn kho thận trọng sẽ định hình chiến lược của các thương hiệu vào năm 2025", ông Chow nhận định.