Sau nhiều nỗ lực của Việt Nam, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã công nhận quần thể này là Di sản thiên nhiên thế giới.
Vào tối ngày 11/5, tại Hải Phòng đã diễn ra sự kiện Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản”. Sự kiện này gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và là dịp đánh dấu việc UNESCO trao danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới cho vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Đây là lần đầu tiên TP. Hải Phòng tổ chức chương trình này tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính ở Bắc Sông Cấm, nhằm khẳng định tầm nhìn và quyết tâm trong việc mở rộng không gian đô thị, tạo ra dư địa phát triển mới, nhấn mạnh mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành đô thị tiên phong trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển của Bắc Bộ và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi Hải Phòng và Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, là Di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Để nâng tầm giá trị vịnh Hạ Long, từ năm 2011 Quảng Ninh và Hải Phòng đã thống nhất và song hành lập hồ sơ trình UNESCO để vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16/9/2023. Ông Nguyễn Văn Tùng đã khẳng định Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ hợp tác trong việc xây dựng chương trình hành động, nhằm bảo tồn và tối đa hóa giá trị của Di sản.
Chúc mừng TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, đã thể hiện sự vui mừng và đánh giá cao việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được ghi danh là Di sản thế giới, đó là kết quả của những nỗ lực từ các cộng đồng địa phương, người dân, những người luôn làm việc tích cực để bảo vệ và giữ gìn Di sản thiên nhiên quý giá này, đặt nó ở mức độ bảo vệ cao nhất.
Từ năm 1992, tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ trình và được UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994; lần thứ hai Vịnh Hạ Long tiếp tục được ghi danh vào năm 2000.
Sự kết hợp và tầm nhìn dài hạn của Hải Phòng và Quảng Ninh trong việc phát triển chung được UNESCO đánh giá cao. Trong những năm qua, UNESCO đã hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên độc đáo và giữ gìn các giá trị đặc biệt của quần đảo Cát Bà, trong bối cảnh kinh tế vùng Đông Bắc phát triển nhanh chóng.
Năm 2004, Cát Bà đã được UNESCO ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, từ đó, các tổ chức liên quan trong khu vực đã hợp tác để thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững và bảo tồn Di sản thiên nhiên quý giá này.
Việc được công nhận là một phần của Di sản thế giới đã đưa Cát Bà lên tầm cao mới, là một khu di sản toàn cầu được UNESCO tôn vinh. Danh hiệu này không chỉ tăng cường vị thế của Cát Bà mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho Hải Phòng, bao gồm sự quan tâm đặc biệt từ công chúng, đối tác và nhà đầu tư.
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà nằm ở Đông Bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 165km. Khu vực này bao gồm 775 hòn đảo thuộc vịnh Hạ Long và 358 hòn đảo thuộc quần đảo Cát Bà, với tổng diện tích vùng lõi là 65.650ha và vùng đệm là 34.140ha. Đặc điểm nổi bật của nơi này là vô số tháp đá vôi và hang động, được UNESCO đánh giá rất hiếm thấy.
Sau nhiều nỗ lực của Việt Nam, vào chiều ngày 16/9/2023 tại Riyadh, Saudi Arabia, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.