Không một hãng hàng không nào muốn bay rỗng (bay không có khách). Nhưng với phương châm để mọi người dân đều được sum vầy bên gia đình trong những ngày Tết, các hãng bay đã không tính toán thiệt hơn trong các chuyến bay rỗng một chiều.
Theo thống kê, từ ngày 1/2 đến ngày 4/2, đã có hơn 310 chuyến bay rỗng từ các sân bay phía Bắc về sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Riêng trong ngày 3/2, số lượng chuyến bay rỗng lên đến 104 chuyến. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày sắp tới.
Màn hình thông báo các chuyến bay đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6/2 tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) cho thấy rất nhiều chuyến bay rỗng bay vào TP HCM - ảnh: T.B |
Số liệu trên có thể không khiến hành khách chú ý, nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa trong hoạt động khai thác, phục vụ khách của các hãng bay.
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm khách đi lại tăng cao, các hãng phải bổ sung thêm nhiều chuyến bay đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hành khách. Tuy nhiên, đặc thù của những ngày trước tết là lượng khách chủ yếu bay từ TP HCM ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc, về nhà đón Tết. Trong khi đó, chiều ngược lại, từ các tỉnh miền Bắc vào TP HCM rất vắng khách, dẫn tới nhiều chuyến bay từ Hà Nội và các sân bay miền Bắc vào TP HCM phải bay rỗng.
Lượng hành khách từ các tỉnh phía Nam về nhà ăn Tết đông nên các hãng hàng không phải bay rỗng chiều vào TP HCM, không tính toán thiệt hại - ảnh: C.L |
Tình trạng này sẽ lặp lại với chiều TP HCM – Hà Nội thời điểm sau Tết. Khi đó, lượng người quay lại các tỉnh phía Nam làm việc tại tăng cao, buộc các hãng phải thực hiện nhiều chuyến bay rỗng từ TP HCM ra Hà Nội và các sân bay phía Bắc. Năm ngoái, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, từ ngày 26 đến 30/1 (mùng 5 đến mùng 9 Tết), đã có 399 chuyến bay rỗng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất ra các sân bay miền Bắc.
Thông tin trong một bài báo trên Forbes cho biết nếu một tàu bay thân hẹp từ tầm ngắn đến tầm trung bay chuyến bay rỗng trên hành trình dài 1.000 dặm (khoảng 1.600km), hãng hàng không sẽ mất khoảng 30.000 USD chi phí. Đây là khoản lỗ trực tiếp từ nhiên liệu, bảo trì, phí cất, hạ cánh và tiền lương, chưa kể một số chi phí khác các hãng phải đối mặt. Từ con số đó, dễ dàng thấy được khoản chi phí không nhỏ mà các hãng bay Việt Nam bị mất khi thực hiện một chuyến bay rỗng với chặng bay dài khoảng 1.200km giữa Hà Nội và TP HCM.
Lượng hành khách từ các tỉnh phía Nam về nhà ăn Tết đông nên các hãng hàng không phải bay rỗng chiều vào TP HCM, không tính toán thiệt hại - ảnh: C.L |
Theo tính toán, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Giai đoạn Tết năm nay là thời điểm nhiên liệu bay tăng cao do tình hình chiến sự tại một số khu vực trên thế giới vẫn tiếp diễn, và do nhu cầu nhiên liệu tăng trong giai đoạn mùa đông khắc nghiệt tại nhiều nước. Vì vậy, các chuyến bay rỗng ảnh hưởng lớn tới doanh thu của các hãng hàng không. Số chuyến bay rỗng càng nhiều, doanh thu càng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhưng với trách nhiệm phục vụ hành khách, các hãng bay Việt Nam đã không tính toán đến những thiệt hại này. Mục tiêu của các hãng hàng không nói riêng, của toàn ngành hàng không nói chung là không để hành khách phải ở lại nơi đất khách quê người trong những ngày xuân mới.
Ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp của các quốc gia trên thế giới qua bộ lịch 2024 từ Vietjet.