Hàng loạt lãnh đạo người nước ngoài bị Trung Quốc điều tra, cấm xuất cảnh: Chuyện gì xảy ra?
Diễn biến này tiếp tục làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về xu hướng gia tăng kiểm soát và điều tra nhắm vào các lãnh đạo nước ngoài tại Trung Quốc.
Ngân hàng Mỹ Wells Fargo đã ra quyết định tạm ngừng toàn bộ hoạt động đi công tác tới Trung Quốc, sau khi một nhân viên của họ bị cấm xuất cảnh, theo nguồn tin của Reuters.
Trường hợp của Wells Fargo là diễn biến mới nhất trong một loạt vụ việc gần đây, khiến môi trường kinh doanh tại Trung Quốc trở nên ngày càng bất ổn đối với các công ty nước ngoài – đặc biệt là sau loạt vụ bắt giữ, cấm xuất cảnh và điều tra thiếu minh bạch.

Tuần này, một tòa án tại Bắc Kinh tuyên án 3,5 năm tù đối với một nhân viên người Nhật của hãng dược Astellas Pharma, với cáo buộc gián điệp. Người này đã bị bắt từ tháng 3/2023 và bị truy tố vào năm ngoái.
Trước đó, vào tháng 3, Trung Quốc trả tự do cho các nhân viên của công ty điều tra doanh nghiệp Mintz Group (Mỹ) sau hai năm bị giam giữ. Năm nhân viên bản địa của Mintz bị bắt trong một cuộc đột kích năm 2023 – mở đầu cho cuộc đàn áp quy mô lớn nhắm vào các công ty tư vấn và thẩm định doanh nghiệp, bao gồm cả văn phòng của Bain & Company tại Thượng Hải. Một giám đốc người Singapore của Mintz cũng bị cấm xuất cảnh. Đến tháng 7/2024, Trung Quốc tuyên phạt Mintz 1,5 triệu USD với lý do “thực hiện hoạt động thống kê chưa được phê duyệt”.
Hãng dược AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) cũng rơi vào vòng xoáy tương tự khi ông Leon Wang – Chủ tịch chi nhánh Trung Quốc – bị tạm giữ điều tra từ năm 2024, dù không rõ lý do cụ thể. AstraZeneca bị nghi ngờ gian lận kết quả xét nghiệm gen liên quan đến thuốc điều trị ung thư phổi Tagrisso và lạm dụng bảo hiểm y tế – theo các báo cáo truyền thông Trung Quốc từ năm 2021.
CEO của AstraZeneca tiết lộ rằng công ty không được phép tiếp xúc với ông Wang, người đã bị buộc nghỉ dài hạn từ tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra, một số trường hợp khác cho thấy mức độ rủi ro ngày càng lớn khi các lãnh đạo quốc tế đặt chân đến Trung Quốc:
- Charles Wang Zhonghe, Giám đốc ngân hàng đầu tư của Nomura (Nhật Bản) tại Trung Quốc, bị cấm xuất cảnh vào cuối năm 2023. Lệnh cấm được gỡ bỏ năm 2024, cho phép ông trở lại Hồng Kông.
- Michael Chan, một giám đốc cấp cao của công ty tư vấn rủi ro Kroll (Mỹ), cũng bị cấm rời Trung Quốc vào tháng 9/2023. Theo Wall Street Journal, Chan không phải là đối tượng điều tra, nhưng được yêu cầu hỗ trợ một vụ việc cũ.
- Từ năm 2018, một giám đốc quản lý tài sản của UBS (Thụy Sĩ) tại Singapore cũng từng bị giữ lại Trung Quốc để làm việc với chính quyền. Vụ việc khiến UBS và các ngân hàng quốc tế khác phải yêu cầu nhân viên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi công tác đến Trung Quốc.
Loạt vụ việc kể trên đã làm gia tăng tâm lý lo ngại và e dè trong giới lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây, khi các rủi ro pháp lý tại Trung Quốc ngày càng khó lường và thiếu minh bạch.
Không chỉ tác động tới hoạt động vận hành và điều hành doanh nghiệp, các lệnh cấm xuất cảnh và bắt giữ còn ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và dòng vốn đầu tư quốc tế tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo Reuters
>> Phí visa Mỹ tăng 144%, du khách phải đóng ít nhất 250 USD chỉ để được xét vào cửa
Cuộc đua xuống đáy khiến CEO Volkswagen cảnh báo: Thị trường ô tô Trung Quốc đã 'phát điên'!
Tỷ phú Lý Gia Thành rút lui, loạt cảng biển châu Âu sẽ thành 'sân sau' của Trung Quốc?