Hàng tiêu dùng, thực phẩm của Nhật Bản đang được người tiêu dùng ở Việt Nam ưa chuộng, doanh thu bán hàng tăng cao.
Hàng tiêu dùng, thực phẩm của Nhật Bản đang tìm chỗ đứng và từng bước chinh phục người tiêu dùng Việt. Nhiều mặt hàng như kem, gia vị rắc cơm, đậu natto, giấm táo, rong biển, nấm, thực phẩm khô đóng gói, hàng tiêu dùng... của Nhật được người tiêu dùng ở thành thị Việt Nam ưa chuộng, doanh thu bán hàng tăng cao trong thời gian qua.
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM cho biết: Đây không phải là những mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn bán tốt trong mùa dịch vừa qua. Điều này cho thấy người tiều dùng Việt ngày càng chuộng hàng Nhật và hàng Nhật hiện diện nhiều hơn trong danh mục mua sắm của người tiêu dùng Việt.
Trong khảo sát doanh nghiệp tại Nhật Bản mới đây của JETRO về việc phát triển kinh doanh ở nước ngoài cho thấy có hơn 40% doanh nghiệp Nhật trả lời chọn đến Việt Nam. Việt Nam vượt qua nhiều nước, trở thành điểm đến ưa thích thứ 2 (sau Trung Quốc) của doanh nghiệp Nhật. Thực tế cũng chứng minh cho thấy Văn phòng JETRO tại TP. HCM thường xuyên nhận nhiều câu hỏi, tư vấn cho doanh nghiệp Nhật về việc đưa hàng hóa vào Việt Nam tiêu thụ. Việt Nam từ chỗ là điểm đến làm công xưởng, nhà máy đã chuyển dần thành thị trường tiêu thụ quan trọng. Nếu trước đây, 40% doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam để mở nhà máy sản xuất thì hiện nay, tỉ lệ này chỉ còn 20%. Đang có sự dịch chuyển từ đầu tư sản xuất sang các lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là thương mại hàng hóa.
Bên cạnh đó, hiện nay các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia như Aeon, Daiso, Muji, Takashimaya… đều đã hiện diện tại Việt Nam và tiếp tục chiến lược mở rộng quy mô đầu tư để khai thác sức mua tại thị trường hơn 97 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Các sản phẩm hàng tiêu dùng Nhật Bản trong các hệ thống phân phối cũng được người Việt chọn mua nhiều nhất là đồ dùng gia dụng, dụng cụ nhà bếp, các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ, sản phẩm vệ sinh, thực phẩm...
Ông Mizushima Kozo - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. HCM cho hay, tính đến nay Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai nước hiện đạt khoảng hơn 40 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản tương đối cân bằng và tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai bên cũng đều đặn trong giai đoạn vừa qua.
Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng đang có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc lựa chọn làm cơ sở sản xuất cũng như với vai trò là thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa Nhật – ông Mizushima Kozo nhấn mạnh.
Từ nhu cầu tăng cao của thị trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản cũng đang nỗ lực xúc tiến, mở rộng tại thị trường Việt Nam bằng các sản phẩm hàng tiêu dùng chất lượng, giá cả phù hợp với từng phân khúc tiêu dùng.
Tại trung tâm thương mại chuyên bán hàng cao cấp nội địa Akurihi quy mô 14 tầng ngay trung tâm Quận 1- TP. HCM chuyên bán hàng nội địa Nhật cao cấp với 90% hàng nhập và sản xuất tại Nhật, tại đây khá nhiều hàng hóa độc đáo của Nhật được bày bán như rau, củ, quả, thủy hải sản được chuyển 100% bằng đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ.
Dù hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật sang Việt Nam cao hơn mặt bằng chung so với các sản phẩm cùng chủng loại ngoại nhập khác, nhưng sức hút của hàng Nhật vẫn tăng nhanh, nhất là trong lĩnh vực ăn uống, thương mại hàng hóa. Đơn cử ở lĩnh vực ăn uống, năm 2019, Việt Nam đứng thứ 6 trong top 10 thị trường nhập khẩu nông lâm thủy hải sản và thực phẩm Nhật Bản thì đến nay Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5, chỉ sau những thị trường lớn Hồng Kông, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan và là thị trường có mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này cao nhất, đạt hơn 17%. Trong tương lai, các doanh nghiệp Nhật chú trọng để đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam những sản phẩm phù hợp hơn cả về chủng loại lẫn giá cả.
Với ưu điểm là hàng hóa chất lượng cao, nhiều chủng loại hóa phù hợp với sở thích, nhu cầu của người tiêu dùng vì thế doanh nghiệp Nhật có lợi thế hơn so với nhiều các nhà cung ứng nước ngoài trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Việt. Dẫu vậy, các nhà cung ứng Nhật Bản vẫn còn nhiều việc phải làm để thực sự có được kết quả kinh doanh ấn tượng trong nỗ lực xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Cụ thể, cần có chính sách giá hợp lý khi thâm nhập thị trường giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, các nhà cung ứng Nhật Bản cần giải quyết bài toán về thời gian đưa hàng tới Việt Nam. Quy trình đưa hàng vào Việt Nam cần được rút ngắn lại để giảm chi phí, hàng hóa phải dễ lưu kho, có hạn sử dụng dài, có hướng dẫn sử dụng chi tiết, thậm chí nên có thông tin thêm về sản phẩm mang đến Việt Nam đã và đang được tiêu thụ tại Nhật Bản và các thị trường khác ra sao…
Bộ Quốc phòng đề xuất về thăng quân hàm cấp tướng vượt bậc, trước thời hạn
Trải nghiệm kinh hoàng của nữ hành khách trên khoang hạng nhất máy bay