Các siêu thị đều cam kết "khóa giá" để hạn chế hiện tượng tăng giá hàng hóa đột biến, giảm áp lực mua sắm cho người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Hàng Việt chiếm tỷ lệ lớn trong siêu thị, chợ dân sinh
Tại các siêu thị Vinmart, Co.opmart, Mega Market, Big C, Hapro Mart… các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đều có xuất xứ Việt Nam như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước mắm của các hãng Bibica, Hữu Nghị, Tràng An, Kinh Đô, bia Hà Nội, Sài Gòn, nước mắm Phú Quốc… được trưng bày từng khu riêng biệt để người tiêu dùng dễ lựa chọn.
Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, hiện trong cơ cấu hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết tại hệ thống siêu thị BRGMart có đến 90% là sản Việt. Đặc biệt, nhiều siêu thị BRGMart là điểm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP, đây là sản phẩm do những làng nghề Hà Nội và các tỉnh thành sản xuất.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm thông tin, tại hệ thống Hapro Mart đã chuẩn bị mặt hàng Tết với nhiều sản phẩm đặc sản mang thương hiệu Hapro, như gạo Hapro Đồng Tháp, hạt điều rang, rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói… Cùng với đó Hapro Mart bầy bán đặc sản vùng miền như miến dong, bún khô, mì gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang…
Trong khi đó, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” hiện có đến trên 90% hàng hóa đang bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart là sản phẩm Việt Nam. Hệ thống siêu thị Co.opmart luôn ưu tiên bày bán nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước, đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng VietGap, Globalgap.
Không chỉ siêu thị, tại các chợ truyền thống hàng Việt cũng chiếm ưu thế trước hàng ngoại nhập. Những ngày này, trên các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng bánh kẹo như phố Ngọc Hà, Hàng Buồm, Tây Sơn… điều dễ nhận thấy hầu hết sản phẩm bầy bán được cung cấp từ các doanh nghiệp nội.
Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng bánh kẹo Việt Nam chiếm ưu thế trước hàng nhập khẩu, các tiểu thương có chung ý kiến, sức tiêu thụ bánh kẹo nội cao cấp vẫn mạnh hơn bánh kẹo ngoại, bởi chất lượng không thua kém nhưng giá chỉ bằng 50 - 60% hàng ngoại.
Không tăng giá vào dịp Tết
Thông tin từ hệ thống các siêu thị cho thấy, từ nay đến Tết Nhâm Dần sắp tới, dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa trên thị trường. Để hạn chế hiện tượng tăng giá hàng hóa đột biến, giảm áp lực mua sắm cho người dân, các siêu thị đều cam kết ''khóa giá'', không tăng giá hàng hóa.
Theo Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Group (đơn vị quản lý và sở hữu chuỗi siêu thị GO! BigC) Nguyễn Thị Bích Vân, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên đầu vào giá tăng nhẹ, nhưng Central Group không chủ trương tăng giá bán dịp Tết Nguyên đán. Đổi lại, đơn vị sẽ duy trì chương trình giá thấp, áp dụng cho hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng, đồng thời áp dụng chính sách “khóa giá” với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh.
Trong khi đó, lượng hàng hóa Sài Gòn Co.op đang chuẩn bị trước, trong và sau Tết là khoảng 6.000 tỷ đồng… đồng thời cam kết không tăng giá. Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op (đơn vị quản lý khai thác hệ thống siêu thị Co.op Mart) Nguyễn Anh Đức khẳng định: “Mặc dù cuối năm 2021, nguyên liệu đầu vào tăng giá, nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về mặt nguồn hàng của Sài Gòn Co.op nên hàng hóa trong hệ thống siêu thị Co.op Mart không tăng giá".
Thực tế cho thấy những ngày này, để kích cầu tiêu dùng, hầu hết hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội liên tục tổ chức chương trình khuyến mại như: Giảm giá sốc, giá tốt mỗi ngày, mua nhiều ưu đãi lớn, mua là có quà...
Thông tin về chương trình bình ổn giá hàng hóa trong dịp Tết, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội của nhân dân Thủ đô Tết Nhâm Dần, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện từ nay đến hết tháng 5/2022.
Thực hiện kế hoạch, hiện đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng; đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán (123 siêu thị, 6.800 cửa hàng tiện lợi, 13.000 cửa hàng chuyên doanh, 1.900 điểm bán hàng tại các chợ truyền thống, 500 bếp ăn tập thể).
Để giá hàng hóa không tăng cao trong dịp Tết Nhâm Dần, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực liên kết với các tỉnh, thành cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho thị trường Thủ đô, qua đó doanh nghiệp cam kết không tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu.