Doanh nghiệp A-Z

Hành trình 'vượt ngàn chông gai' tìm lại hào quang của Yeah1

Khương Lê 30/09/2024 10:37

Khủng hoảng một thời với YouTube và tác động của dịch bệnh Covid-19 từng khiến Yeah1 lỗ tới 560 tỷ đồng chỉ sau 2 năm niêm yết. Liệu sức nóng của chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" hay "Anh trai vượt ngàn chông gai" có giúp Yeah1 lấy lại hào quang trong quá khứ?

Doanh nghiệp giải trí đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán

Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) do ông Nguyễn Nhượng Ảnh Tống thành lập năm 2006, ban đầu là website chia sẻ thông tin giải trí cho giới trẻ, thu hút khoảng 40.000 lượt xem và có doanh thu vỏn vẹn chỉ 150 USD.

Dù xuất phát điểm khiêm tốn nhưng chỉ sau 2 năm, tập đoàn đã xây dựng được cộng đồng thông tin giải trí lớn nhất Việt Nam với hơn 400.000 người dùng, gấp 10 lần khi mới thành lập. Cùng năm đó, Yeah1 ra mắt Yeah1TV, kênh truyền hình chuyên về giải trí phát sóng trên toàn quốc.

Trong gần một thập kỷ sau, Yeah1 tập trung đầu tư vào bốn trụ cột chính bao gồm truyền hình, trực tuyến, nội dung và công nghệ thông tin. Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Yeah1, khi các lĩnh vực đều mang lại tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận.

Khi xu hướng giải trí trên YouTube dần thịnh hành trong giới trẻ, Yeah1 chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo trên nền tảng này. Năm 2015, Tập đoàn trở thành đối tác đa kênh của YouTube, với 2,4 tỷ lượt xem và doanh thu 19 triệu USD.

Hành trình 'vượt ngàn chông gai' tìm lại hào quang của Yeah1
Ảnh minh họa (Internet)

Năm 2017, Yeah1 mở rộng mạng lưới dịch vụ, trở thành đối tác độc quyền của Google tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thông qua công ty con Netlink, cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho hơn 600 trang web trên toàn thế giới.

Đồng thời, dịch vụ giải trí trên YouTube tiếp tục phát triển mạnh, đạt kỷ lục 56 tỷ lượt xem, đưa Yeah1 trở thành đối tác đa kênh lớn thứ 6 của YouTube toàn cầu với 12 kênh nút vàng (trên 1 triệu người theo dõi) và 280 kênh nút bạc (trên 100 nghìn lượt theo dõi).

Nhờ bước đầu khả quan, Yeah1 đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Philippines, Indonesia và Thái Lan thông qua sáp nhập với các công ty giải trí tại các quốc gia này.

Năm 2018, Yeah1 niêm yết 27,3 triệu cổ phiếu YEG trên sàn HoSE với giá chào sàn 250.000 đồng/cp. Ngay sau khi giao dịch, cổ phiếu YEG tăng trần 20%, đạt mức 350.000 đồng/cp. Trong năm này, kết quả kinh doanh của Yeah1 cũng lập đỉnh với doanh thu 1.677 tỷ và LNST 163 tỷ đồng.

Khủng hoảng với YouTube, bị Google cạch mặt

Khi mảng kỹ thuật số (Google và YouTube) ngày càng đóng góp lớn vào doanh thu của Yeah1 cũng là lúc sóng gió bất ngờ ập tới.

Đầu tháng 3 năm 2019, Google LLC gửi thông báo chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung từ ngày 31/3/2019 với công ty con, công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan đến mảng YouTube Adsense của YEG, bao gồm Springme Pte. Ltd, Yeah1 Network Pte. Ltd. và ScaleLab LLC.

Lý do Google LLC đưa ra, theo Yeah1 thông tin, là công ty Springme Pte. Ltd. (Thái Lan) do YEG sở hữu gián tiếp 16,93% có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc Google LLC áp dụng chính sách tương tự với các công ty khác liên quan tới mảng khai thác YouTube Adsense trực thuộc YEG.

Sau đó, YEG nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để cứu vãn, bao gồm chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần của ScaleLab LLC cho chủ sở hữu cũ với giá 12 triệu USD, nhưng không thể khiến Google LLC thay đổi quyết định.

Ngày 21/5/2019, YEG chính thức nhận thông báo về việc hết hiệu lực của Thỏa thuận lưu trữ nội dung. Theo đó, Google LLC tự động ngừng kết nối các kênh trong hệ thống quản lý đa kênh của YEG kể từ 22/5/2019.

Sự cố trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh cũng như định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo của Yeah1.

Ngay trong năm 2019, YEG ghi nhận lỗ 383 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp sụt giảm chỉ còn 5% so với mức 34% năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự cố vận hành trên YouTube, bao gồm việc trích lập dự phòng phải thu từ việc chuyển nhượng 100% cổ phần của ScaleLab LLC, tương đương 12 triệu USD (276 tỷ đồng) và những ảnh hưởng tiêu cực lên các mảng kinh doanh khác.

Bên cạnh đó, xu hướng công nghệ mới dần thay thế kênh quảng cáo truyền thống như truyền hình, dẫn đến mảng truyền hình truyền thống của YEG sa sút, gây lỗ 59 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi ròng 30 tỷ đồng.

Sau “cú đấm” bất ngờ từ YouTube, Yeah1 thêm chật vật do dịch bệnh Covid-19. Kết quả, trong vòng hai năm 2019-2020, YEG lỗ tổng cộng 562 tỷ đồng.

Hành trình 'vượt ngàn chông gai' tìm lại hào quang của Yeah1
Chú thích ảnh: Cột màu xanh: Doanh thu; Cột màu vàng: Lợi nhuận sau thuế của YEG (Nguồn: YEG)

Kết quả kinh doanh của YEG bắt đầu hồi phục vào năm 2021, với doanh thu đạt 1.080 tỷ đồng và LNST 30 tỷ đồng. YEG lần lượt lãi 25 tỷ và 27 tỷ đồng vào hai năm 2022-2023.

Với tốc độ sinh lời (hơn 80 tỷ đồng) trong vòng 3 năm trở lại đây, nếu không có sự chuyển mình đáng kể, YEG cần tới 20 năm để bù được khoản lỗ nặng nề quá khứ để lại.

“Chị đẹp” và “Anh trai” có giúp YEG hồi sinh?

Giữa năm 2022, nhà sáng lập Nguyễn Ảnh Nhượng Tống rời Hội đồng quản trị YEG. Ông Nhượng Tống cho hay, quyết định bán hết cổ phần và rời HĐQT nhằm tốt cho công ty, không phải hành động tháo chạy khi giá cổ phiếu giảm sâu.

Sau thay đổi thượng tầng, Yeah1 tích cực tái cấu trúc và tìm hướng đi mới. Năm 2023, doanh nghiệp mua bản quyền show truyền hình “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” ăn khách của Trung Quốc và Việt hóa thành chương trình có tên gọi "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng".

Nhờ chương trình này, tên tuổi của Yeah1 một lần nữa "nóng" trở lại.

>> Yeah1: Cổ phiếu từng tăng X2 nhờ chương trình ‘Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023’, lịch sử có lặp lại khi phiên bản mới sắp ra mắt?

gggggg
Chương trình "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng"

Nhìn chung, 15 tập phát sóng của "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" đều đạt trên một triệu lượt xem, nhiều màn trình diễn của các nữ nghệ sĩ vào top trending trên YouTube, nội dung chương trình được thảo luận dày đặc trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông.

Thành công với “Chị đẹp”, doanh thu hợp nhất năm 2023 của YEG đạt 411 tỷ, tăng 31% so với năm liền trước và đạt 97% kế hoạch. Theo doanh nghiệp, nguyên nhân đến từ mảng quảng cáo trên truyền hình và nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, doanh thu quảng cáo, tư vấn truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số, tổ chức sự kiện, tài trợ và quảng cáo trên kênh truyền hình đạt hơn 154 tỷ đồng, tăng 82,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, dù đánh giá nền kinh tế năm 2024 chưa thực sự phục hồi, khiến doanh nghiệp hạn chế chi phí quảng cáo, ảnh hưởng đến ngành truyền hình, tổ chức sự kiện và quảng cáo nói chung, ban lãnh đạo YEG vẫn đề ra hai phương án kinh doanh đầy tham vọng.

Trong điều kiện thuận lợi, YEG kỳ vọng doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, lần lượt gấp 3,5 lần và gần 4 lần năm 2023. Ở kịch bản thận trọng hơn, doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 800 tỷ đồng và 65 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2023.

Vũ khí tăng trưởng, lãnh đạo YEG cho biết, nằm ở mảng sản xuất nội dung chất lượng cao.

“Chúng tôi sẽ sản xuất 4 show truyền hình, và tất cả show truyền hình này khác biệt so với những show truyền hình hiện nay”, Chủ tịch Lê Phương Thảo tự tin trả lời cổ đông về khả năng hoàn thành mục tiêu doanh thu năm nay.

Sau "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", "Anh trai vượt ngàn chông gai" là chương trình truyền hình tiếp theo YEG mua bản quyền của Trung Quốc. Chương trình gây được tiếng vang và thu hút khán giả khi nhiều lần lọt top thịnh hành, có hàng triệu lượt xem ở mỗi tập.

Trên góc độ kinh tế, “Anh trai vượt ngàn chông gai” cho thấy sức hút quảng cáo đáng kể. Đơn cử, tập 5 sau khi phát sóng ghi nhận trên 20 nhãn hàng nổi tiếng với hơn 30 lượt quảng cáo, thời gian xuất hiện từ 10-15 giây đến 30 giây.

Theo bảng giá công bố, ước tính nhãn hàng sẽ phải trả số tiền từ hơn 68 triệu đồng tới hơn 136 triệu đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho thời lượng từ 10-30 giây được xuất hiện trong chương trình. Như vậy, chỉ với một tập 5, "Anh trai vượt ngàn chông gai" có thể thu về khoảng 3,2 tỷ đồng tiền quảng cáo.

gggggg
Chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai"

Đi qua nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của YeaH1 đạt gần 284 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu doanh thu tập trung vào ba mảng kinh doanh, gồm quảng cáo và tư vấn truyền thông; cung cấp dịch vụ và thương mại điện tử; bản quyền nội dung.

Nhờ doanh thu hoạt động kinh doanh và tài chính tăng mạnh, YEG thu về lãi ròng gần 29 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, trong bối cảnh áp lực chi phí quản lý tăng 116%.

So với kế hoạch đề ra, YEG đạt được trên dưới 1/3 mục tiêu lợi nhuận (hai kịch bản) sau nửa năm.

Đáng nói, lợi nhuận YEG có sự đóng góp đáng kể của hoạt động tài chính khi ghi nhận gần 77 tỷ đồng doanh thu tài chính trong kỳ nhờ bán công ty con. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cốt lõi vẫn có thể coi là khả quan. Bởi theo lãnh đạo YEG, hai quý đầu năm, kinh tế Việt Nam còn đang trong giai đoạn phục hồi và là chu kỳ có doanh thu chậm nhất của ngành giải trí.

Trước đó, HĐQT Yeah1 dự báo, doanh thu và lợi nhuận tập đoàn sẽ bật lên vào quý III-IV/2024, do đây là chu kỳ cao nhất của ngành giải trí nói chung.

Theo sau sự thành công của chương trình, ngày cuối tháng 8, nhà sản xuất công bố kế hoạch tổ chức đêm hòa nhạc “Anh trai vượt ngàn chông gai Concert 2024”. Chỉ sau 90 phút mở bán vào sáng ngày 27/9/2024, chương trình nhanh chóng cháy vé.

Trước độ ăn khách của các “Anh trai”, liệu Yeah1 có thành công "vượt ngàn chông gai", hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trăm tỷ và lấy lại hào quang một thời?

>> Vé concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai 2024' cháy hàng sau 90 phút, Yeah1 (YEG) sẽ bùng nổ doanh thu quý cuối năm?

Yeah1 (YEG), nhà sản xuất 'Anh trai vượt ngàn chông gai', muốn tăng vốn lên 1.900 tỷ đồng

Tạo ra thành công cho 'Anh trai vượt ngàn chông gai', CEO Yeah1 (YEG) nhận thù lao bao nhiêu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hanh-trinh-vuot-ngan-chong-gai-tim-lai-hao-quang-cua-yeah1-250921.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hành trình 'vượt ngàn chông gai' tìm lại hào quang của Yeah1
POWERED BY ONECMS & INTECH