Sau khi M&A thành công với doanh nghiệp sách vốn hoá vỏn vẹn 12 tỷ đồng, Hưng Vượng Developer đã đưa các tài sản của mình lên sàn chứng khoán dưới pháp nhân của công ty mẹ.
CTCP Hưng Vượng Developer vừa công bố tình hình tài chính định kỳ. Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 2.010 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.008,4 tỷ đồng cuối năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ mức 1,87 vào đầu năm lên 2,07 lần, tương ứng 4.160,7 tỷ đồng nợ phải trả.
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 1,07 lần xuống 1,06 lần tính tới cuối năm, tương ứng với 2.130,6 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 1,6 tỷ đồng, giảm 66,6% so với cuối năm trước. Trước đó, ngày 9/4/2024, Hưng Vượng Developer có báo cáo về tình hình thanh toán gốc và lãi lô trái phiếu HVDCH2123001 cho kỳ báo cáo năm 2023 (từ 1/1/2023 đến 31/12/2023).
Theo đó, Công ty mới thanh toán được gần 12,7 tỷ đồng tiền lãi trong tổng số 34,7 tỷ đồng tiền lãi. Bên cạnh đó, Công ty mới trả được 1,5 tỷ đồng tiền gốc trong tổng số 600 tỷ đồng tiền gốc phải thanh toán. Hưng Vượng Developer cho biết, nguyên nhân chậm thanh toán gốc, lãi cho lô trái phiếu nêu trên là do chưa thu xếp được nguồn vốn.
Nguồn: HNX |
Lô trái phiếu HVDCH2123001 được phát hành ngày 2/8/2021, kỳ hạn 18 tháng, tương ứng đáo hạn ngày 2/2/2023. Khối lượng phát hành theo mệnh giá đạt 600 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần.
Hưng Vượng Developer là doanh nghiệp non trẻ, thành lập năm 2020, hiện có vốn điều lệ 1.208 tỷ đồng do ông Lê Quốc Kỳ Quang là người được ủy quyền công bố thông tin và bà Phạm Thị Thu Dung là giám đốc tài chính.
Hưng Vượng Developer được nhà đầu tư nhớ đến từ 2021, nổi lên với vụ “niêm yết đường vòng” thông qua CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát (HTP). Trang web hiện tại của In sách giáo khoa Hòa Phát ghi nhận nhiều tin tức hoạt động của Hưng Vượng Developer.
Tại thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006, quy mô vốn của HTP ở mức 9 tỷ đồng, NXB Giáo dục nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ. Quy mô vốn điều lệ tính đến cuối năm 2019 chỉ hơn 18 tỷ đồng, kết quả kinh doanh không quá nổi bật, cổ phiếu HTP không được nhà đầu tư chú ý và thường trong tình trạng không có thanh khoản.
Tuy nhiên, sau thương vụ chào bán 90 triệu cổ phiếu hồi đầu năm 2021, vốn điều lệ tăng phi mã từ vài chục tỷ bỗng chốc chạm mốc gần nghìn tỷ đồng (981 tỷ đồng), cổ phiếu HTP thành công thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Thanh khoản từ vài nghìn bất ngờ nhảy lên 7 chữ số, thị giá cổ phiếu theo đó cũng tăng gấp 5 lần từ 10.000 đồng/cp lên hơn 50.000 đồng/cp.
Số tiền huy động được từ đợt chào bán trên được HTP dùng để thâu tóm Hưng Vượng Developer. Cụ thể, HTP đã chi 902 tỷ đồng để mua 62,75% vốn của Hưng Vượng Developer, qua đó sở hữu gián tiếp CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt, Công ty TNHH Hưng Vượng AMC, Công ty TNHH Hưng Vượng Hospitality.
Sau khi M&A thành công, Hưng Vượng Developer đã đưa các tài sản của mình lên sàn chứng khoán dưới pháp nhân của công ty mẹ HTP.
>> Câu chuyện kinh doanh: Kế ve sầu thoát xác và tuyệt chiêu của nhiều doanh nghiệp