Trong hợp đồng vay vốn có ghi rõ điều khoản không tính lãi trong suốt thời gian học sinh theo học tại trường.
Những ngày gần đây, thông tin về việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) cho học sinh tạm nghỉ học do phần lớn giáo viên không đi dạy vì các khoản lương, bảo hiểm chưa được thanh toán, bên cạnh đó ngôi trường này còn nợ phụ huynh số tiền lên đến 3.200 tỷ đang gây xôn xao dư luận.
Theo thông tin từ Vietnamnet, hiện một nhóm phụ huynh AISVN đã ký và gửi đơn "cầu cứu khẩn cấp" đến cơ quan chức năng tại TP.HCM. Phụ huynh cho biết, hơn 90% gia đình đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở Trường AISVN dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư. "Tổng số tiền đã đóng vào hay nói cách khác là bà Út Em đã huy động đang nợ chúng tôi lên đến hơn 3.200 tỷ Việt Nam đồng".
Huy động vốn dưới hình thức ''đầu tư giáo dục'' của AISVN thực chất là một khoản vay, phụ huynh cho nhà trường mượn tiền, không tính lãi suất trong suốt thời gian trường đào tạo học sinh.
Bản hợp đồng của một phụ huynh từng có con theo học tại trường AISVN cung cấp |
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã thành lập tổ chuyên trách xử lý vấn đề của trường quốc tế, đồng thời yêu cầu trường quốc tế Mỹ Việt Nam thực hiện khẩn các giải pháp xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức hoạt động giáo dục tại trường.
Chiều 21/3, tại họp báo thường kỳ của thành phố, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thụy Mỵ Châu cho hay, ngôi trường này có 129 giáo viên người nước ngoài và 26 giáo viên người Việt Nam. Ngay khi tiếp nhận thông tin giáo viên dừng giảng dạy, ngày 4/3, Sở đã làm việc với nhà trường và thống kê có 53 giáo viên dừng giảng dạy. Tuy nhiên các giáo viên này đưa ra lý do bị bệnh. Đến ngày 20/3, con số giáo viên dừng giảng dạy tăng lên 85 người.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã làm việc trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường để tìm phương án giải quyết tình hình hoạt động nhưng chưa có sự hợp tác của đơn vị. Trong các báo cáo, nhà trường luôn trình bày đang xử lý tài chính nhưng Sở nhận thấy việc đảm bảo duy trì hoạt động nhà trường đang ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Sở GD&ĐT yêu cầu Chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng khẩn trương thực hiện giải pháp xử lý, chấm dứt tình trạng giáo viên xin nghỉ đồng loạt để đảm bảo việc tổ chức hoạt động giáo dục ổn định tại trường, đảm bảo tối đa quyền lợi học tập cho học sinh.
Trong trường hợp phụ huynh học sinh có nhu cầu chuyển trường, Sở đã công khai danh sách cơ sở giáo dục, địa chỉ, mức học phí công lập và ngoài công lập. Đồng thời, vận động các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện tạo điều kiện để phụ huynh tiến hành thủ tục chuyển trường theo quy định.
“Qua buổi làm việc sáng nay (21/3), các phụ huynh đều có ý là không muốn chuyển trường, mà mong muốn Sở GD&ĐT trao đổi với chủ đầu tư để được tiếp quản, điều hành nhà trường”, bà Châu cho biết điều này vượt khỏi thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở.
Hiện Sở GĐ&ĐT đã làm việc với Chủ tịch Hội đồng trường và lập biên bản. Đại diện nhà trường cam kết sẽ làm việc với các nhà đầu tư trong vòng một tuần tới để có lộ trình giảng dạy đến hết năm học. Nhà trường sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đúng cam kết.
Đang bị đình chỉ, Trường Quốc tế Mỹ lại thông báo sắp khai giảng năm học mới
Nợ thuế hơn 100 tỷ đồng, Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) bị đề nghị thu hồi giấy phép