Doanh nghiệp

EU kích hoạt quy định mới về xuất nhập khẩu phế liệu thép và nhôm, loạt doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý

Thảo Đan 27/07/2025 - 17:14

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam chủ động theo dõi diễn biến, chuẩn bị phương án ứng phó.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) cho biết, từ ngày 23/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức kích hoạt hệ thống giám sát hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu kim loại ra vào Liên minh châu Âu (EU), bao gồm thép, nhôm và đồng.

Động thái này yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực tái chế hoặc kinh doanh kim loại cần đặc biệt lưu ý.

Hệ thống giám sát mới là một phần trong Kế hoạch hành động về thép và kim loại (SMAP) do EC công bố ngày 19/3, nhằm ứng phó nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu tái chế trong nội khối, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp kim loại châu Âu.

Một trọng tâm của kế hoạch là kiểm soát chặt dòng chảy phế liệu, bảo đảm nguồn cung ổn định cho EU, phục vụ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ròng 90% vào năm 2040. EC cảnh báo, nguồn phế liệu kim loại trong khối đang suy giảm, chủ yếu do xuất khẩu sang các nước thứ ba.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu thô toàn cầu tăng cao, khả năng EU siết chặt xuất khẩu phế liệu sang các quốc gia như Việt Nam là điều hoàn toàn có thể.

Hệ thống giám sát sẽ thu thập dữ liệu chi tiết về từng loại phế liệu, bao gồm khối lượng, chủng loại và quốc gia nhập khẩu. Những dữ liệu này là cơ sở để EC đánh giá cung cầu và áp dụng các biện pháp thương mại hạn chế xuất khẩu nếu phát hiện nguy cơ thiếu hụt.

Ngoài ra, EC đang phối hợp với ngành công nghiệp để phân loại phế liệu ở mức độ chi tiết hơn, có thể kéo theo các quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng khắt khe hơn trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, đến cuối quý III/2025, EC sẽ đánh giá tình hình thực tế dựa trên dữ liệu thương mại cập nhật hàng tháng và cân nhắc các công cụ chính sách mới để bảo vệ nguồn cung nội khối.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam chủ động theo dõi diễn biến, chuẩn bị phương án ứng phó trong trường hợp EU áp dụng các biện pháp kiểm soát thương mại nghiêm ngặt hơn, bao gồm yêu cầu bổ sung về chất lượng và truy xuất nguồn gốc phế liệu nhập khẩu.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom, tái chế và xuất khẩu phế liệu kim loại, đặc biệt là thép, nhôm và đồng. Một số tên tuổi đáng chú ý có thể kể đến như Công ty TNHH Thép Tâm Hòa Phát, Công ty CP Kim khí Miền Trung, CTCP Kim khí TP. HCM (HMC), và CTCP Tái chế Bao bì Vĩnh Lộc.

Các doanh nghiệp này thường thu mua và chế biến phế liệu kim loại từ thị trường nội địa và quốc tế, sau đó phân loại, xử lý và xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các quốc gia thuộc EU.

Một số đơn vị như Tập đoàn Hoa Sen (HSG) hay Tôn Đông Á (GDA) cũng sử dụng lượng lớn phế liệu kim loại tái chế để làm nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất thép mạ, nhằm tối ưu chi phí và đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.

Chính vì vậy, việc EU siết chặt giám sát và có khả năng áp dụng các quy định kỹ thuật nghiêm ngặt hơn đối với phế liệu nhập khẩu có thể tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng nguyên liệu và chiến lược xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này.

>> EU chính thức tung đòn chống bán phá giá, thép cán nóng Việt Nam chịu thuế suất cao

EU chính thức tung đòn chống bán phá giá, thép cán nóng Việt Nam chịu thuế suất cao

EU ra phán quyết vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Việt Nam, Hòa Phát hưởng mức thuế 0%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dulieu.nguoiquansat.vn/doanh-nghiep/GDA
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    EU kích hoạt quy định mới về xuất nhập khẩu phế liệu thép và nhôm, loạt doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý
    POWERED BY ONECMS & INTECH