Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam: Nên bắt đầu từ đâu?
Trong bối cảnh hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết những công việc đặc biệt cấp thiết. Tại nhiệm vụ, các Sở, ban ngành sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tổ công tác sẽ không giải quyết các vấn đề có tính thường xuyên thuộc trách nhiệm tham mưu, giải quyết của sở, ban, ngành.
Đối với vấn đề giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp sẽ ưu tiên theo thứ tự gồm nhóm doanh nghiệp đang hoạt động gặp khó khăn cần hỗ trợ kịp thời, nhóm doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai dự án và nhóm doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư. Trong 3 nhóm doanh nghiệp này sẽ chia thành các lĩnh vực công nghiệp; du lịch, thương mại - dịch vụ; nông nghiệp; nhà ở, bất động sản, xây dựng kết cấu hạ tầng,…
Tuy nhiên, đến nay Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Quảng Nam chỉ dừng lại ở các cuộc họp và xem xét những kiến nghị của doanh nghiệp. Bởi lẽ, các kiến nghị đưa ra đều vượt thẩm quyền của Tổ công tác đặc biệt.
Trên thực tế, các doanh nghiệp cần được đơn giản hóa các thủ tục hồ sơ thực hiện các dự án đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu thầu đấu giá và dự án bất động sản… Tuy nhiên, nhiều quy định pháp luật chồng chéo rất khó được tháo gỡ kịp thời, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Nói chuyện về “điểm nghẽn” trong việc giải ngân vốn đầu tư công đơn giản là nguồn vật liệu thông thường như đất san lấp, cát thiếu nguồn cung và tăng giá gấp 2 lần đơn giá nhà nước. Giám đốc một Công ty xây dựng đang thi công dự án tại huyện Duy Xuyên cho hay hiện nay nguồn nguyên liệu đất để san lấp hai mố cầu và đường dẫn đang khan hiếm, rất khó để tiếp tục. Việc khó khăn trong thi công khiến doanh nghiệp phải xin gia hạn tiến độ, gây lỗ kinh phí nhưng không thể làm khác được.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết, nếu trúng gói thầu từ 50-100 tỷ, trong tình trạng giá vật liệu tăng chóng mặt thì chuyện lỗ ròng 10 đến 20 tỷ là cầm chắc. Vì vậy, nhiều nhà thầu thi công cầm chừng hoặc bỏ công trình chạy lấy người, bởi càng làm càng lỗ.
Trong khi đó, giải ngân càng ngày càng khó và giá cước vận chuyển thị trường cao hơn nhiều so với giá công bố. Vì vậy, cần sớm có chỉ đạo để tháo gỡ mới có nhà thầu tham gia dự án và giải ngân.
Nhận diện về các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng để thấy rõ nhất về tình hình chỉ cần nhìn vào con số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rút khỏi thị trường đang cao hơn so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Theo ông Tuân, chủ yếu các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, rút khỏi thị trường đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động từ 5-80 người.
Nói về nguyên nhân, ông Tuân cho biết có nhiều nguyên nhân từ thị trường, chi phí gia tăng, thiếu nguyên vật liệu, thiếu vốn,... Đặc biệt, năm 2023 sẽ là năm khó khăn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong 3 năm kể từ thời đại dịch Covid-19.
“Lĩnh vực khó nhất liên quan đến xây dựng, bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu,... Chưa kể đến, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn vay,... Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không hấp thụ được vốn vay, bởi lẽ nhiều đơn vị hiện nay không biết vay để làm gì khi không có đơn hàng, không thể hoạt động,...”, ông Tuân chia sẻ.
Ông Trần Quốc Bảo, Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất Quảng Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp để nhằm cải thiện các chỉ số PCI. Trong đó, tập trung vào các chỉ số liên quan đến Đào tạo lao động - Cạnh tranh bình đẳng - Chi phí không chính thức - Dịch vụ hổ trợ doanh nghiệp - Chi phí thời gian - Thiết chế pháp lý. Theo ông Bảo, trong bối cảnh hiện tại kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp càng khó nên ảnh hưởng tới các chỉ số này rất nhiều.
“Muốn cải thiện các chỉ số nêu trên, Quảng Nam cần chỉ đạo các ngành, các cấp phải hướng về doanh nghiệp để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặt biệt, trong bối cảnh khó khăn toàn cầu Quảng Nam dựa chính vào doanh nghiệp cơ khí sản xuất ô tô là tiên phong trong việc nguồn thu ngân sách và giải quyết lao động việc làm tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhóm ngành này được tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất. Bên cạnh đó, phải tập trung tháo gỡ cho 3 nhóm ngành chính đang bị tác động rất lớn đến nguồn lực và nguồn lao động là xây dựng, kinh doanh bất động sản và du lịch”, ông Trần Quốc Bảo đề xuất.
Để làm tốt công tác này, ông Bảo cho hay Quảng Nam đã thành lập tổ công tác đặt biệt để tháo gỡ khó khăn và đang triển khai quyết liệt để cải thiện vấn đề liên quan. Trong đó, các bất cập trong phạm vi của tỉnh thì tỉnh trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ ngay, những vấn đề ngoài thẩm quyền thì tập trung kiến nghị trung ương giải quyết.
“Ngoài ra, tỉnh cần chỉ đạo thành lập hoạch kiện toàn nâng cao chất lương của các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và đặt biệt ngoài cấp tỉnh. Qua đó, các Sở ngành và các địa phương cấp huyện phải nâng cao trách nhiệm vai trò người đứng đầu để quyết liệt cùng các ngành tháo gỡ hỗ trợ tuyệt đối cho doanh nghiệp”, ông Bảo nói thêm.
Tại kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 58 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ khởi nghiệp, thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường, tiếp cận tín dụng, công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới. Cùng với đó, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương thực thi đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh. Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tháo gỡ rào cản, khó khăn.
Song song, địa phương sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Quảng Nam cũng sẽ chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh.
Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu xu hướng kinh doanh mới, phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện mục tiêu bền vững,...
Phó Giáo sư quê Quảng Nam sở hữu khối tài sản 13.400 tỷ đồng, điều hành 'đế chế' hơn 32.000 nhân sự
Tỉnh sở hữu khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam cần hơn 1.300 tỷ để làm hàng loạt dự án nhà ở