Hỗ trợ phục hồi kinh tế liệu có gây ra bong bóng bất động sản?

08-12-2021 16:30|Khả An

Nhấn mạnh cần thiết phải có gói hỗ trợ để phục hồi, phát triển kinh tế nhưng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế giám sát chương trình phục hồi tổng thể kinh tế - xã hội từ sớm, từ xa; bởi, nếu dòng tiền được giải ngân ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ có thể gây áp lực lên lạm phát và bong bóng bất động sản và tài sản tài chính.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nan 2021 diễn ra vào ngày 5/12/2021 bàn về phục hồi kinh tế do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức đã đề cập quy mô gói phục hồi kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia khoảng 5,5 - 8% GDP, tức khoảng 445.760 - 666.000 tỷ đồng.

Trong suốt diễn đàn, các ý kiến bàn luận đều cho thấy sự lo lắng về nguy cơ tiền gói hỗ trợ kinh tế chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán. 

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, các ý kiến bàn luận cho rằng, gói hỗ trợ để phục hồi phát triển kinh tế là cần thiết và đó cũng là mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp, song cần lưu ý về việc triển khai, sử dụng sao cho hiệu quả.  

Dẫn chứng về hiệu quả của gói kích cầu 2008 - 2009 có quy mô lên tới 122.000 tỷ đồng (tương đương 6,9 tỷ USD) trước kia, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho hay, gói hỗ trợ này đã giúp đất nước vượt qua khủng hoảng, tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ khi đó cũng đã tạo ra hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững, bởi, chính sách đúng đắn nhưng thực hiện lại thiếu đồng bộ, thiếu giám sát, dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí tác dụng ngược, không đến đúng đối tượng. Kết quả là dòng tiền ít chảy vào sản xuất, mà chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, vàng khiến lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô, kìm hãm sự phục hồi kinh tế.

Ở một góc độ khác, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường nêu, tăng trưởng chứng khoán thường do sức khỏe kinh tế tăng, nhưng giai đoạn hiện nay kinh tế tăng trưởng thấp, các chỉ số chứng khoán tăng rất nhanh. Đây là biểu hiện tiền đổ vào ồ ạt làm giá chứng khoán tăng lên, chứ không phải thực chất lợi nhuận doanh nghiệp tăng. Khi tốc độ chuyển vốn vào các hoạt động đầu tư phát triển, như giải ngân đầu tư công, tăng trưởng tín dụng hiện đều đang chậm, dòng tiền lại chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, rủi ro như bất động sản, chứng khoán là vô cùng đáng lo ngại. 

Thực tế liên quan đến việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế trong quá khứ đã cho thấy nhiều bài học cần được xem xét và định đoán lại. Điều này chứng tỏ, lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản hay tài sản tài chính là hoàn toàn có lý do. 

Bàn về gói hỗ trợ kích thích kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ lo lắng và nhấn mạnh, không nên giải ngân quá ồ ạt vì có thể gây áp lực lên lạm phát, hình thành bong bóng bát động sản và tài sản tài chính. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Phong, chính sách tài khóa là nền tảng để cứu các doanh nghiệp yếu kém, còn chính sách tiền tệ là quan trọng cho doanh nghiệp phục hồi. 

“Điều quan trọng là phải hạ được lãi suất cho vay. Chính sách tiền tệ phải mang tính phổ quát, hạn chế sử dụng chính sách tiền tệ mang tính phân biệt vì sẽ dẫn đến méo mó tín hiệu. Bên cạnh đó, việc giải ngân từ tài khóa cần đều đặn tránh giật cục, bởi, tiền từ tài khóa khi chi tiêu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng để cung cấp tiền nhàn rỗi cho hệ thống, qua đó giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi” - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định và nhấn mạnh. 

Sự cần thiết của việc hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ cũng được nhiều chuyên gia đề cập đến, trong đó có ông Vũ Sỹ Cường (giảng viên Học viện Tài chính). 

Theo ông này, tác động của chính sách tài khóa hay tiền tệ tới các biến số vĩ mô của nền kinh tế rất phức tạp. Việc kết hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khắc phục hạn chế về độ trễ của mỗi chính sách, tính linh hoạt, phù hợp với năng lực ngân sách và bảo đảm tính ổn định của mỗi chính sách.

Nguy cơ lạm phát tăng mạnh ở Việt Nam hiện nay là chưa nhiều do nền kinh tế vẫn đang dưới sản lượng tiềm năng, đồng VND lên giá phần nào bù đắp giá nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ cần được cẩn trọng hơn rất nhiều nếu xu hướng giá xăng tiếp tục tăng trong năm 2022.

Đã giải ngân được 22.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng không gây sức ép lớn lên lạm phát

Quốc hội thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-lieu-co-gay-ra-bong-bong-bat-dong-san-128988.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hỗ trợ phục hồi kinh tế liệu có gây ra bong bóng bất động sản?
POWERED BY ONECMS & INTECH