Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, xét về mặt cung tiền, sức ép từ gói hỗ trợ nền kinh tế với quy mô 350.000 tỷ đồng lên lạm phát là không lớn.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, năm 2022, áp lực lạm phát của kinh tế Việt Nam xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó, yếu tố nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu đóng vai trò chủ đạo.
Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong nước.
Với diễn biến tình hình chính trị thế giới như hiện nay, việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là không đơn giản.
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng được thực hiện trong 2 năm với cơ cấu: Chính sách tài khoá chiếm 83% (291.000 tỷ đồng); chính sách tiền tệ chiếm 14% (52.500 tỷ đồng trong đó có gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng); hỗ trợ khác chiếm 3%.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, giải ngân gói 350.000 tỷ đồng tác động đến lạm phát chủ yếu do sức ép tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và lạm phát chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cơ cấu của gói hỗ trợ này có nhiều gói nhỏ, do đó không gây nên lạm phát do cung tiền. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp và kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ nên nhiều năm qua, lạm phát của Việt Nam không do yếu tố tiền tệ.
Mặc dù nhận định cung tiền không gây áp lực cho lạm phát, song ông Lâm thừa nhận, lạm phát năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là do cầu tăng mạnh trong khi cung thiếu hụt.