Hóa chất Đức Giang (DGC) tiết lộ thời điểm siêu dự án Bauxite 2,3 tỷ USD được cấp phép
Theo ước tính của VCBS, với khả năng sản xuất 3 triệu tấn alumin, Hóa chất Đức Giang (DGC) có thể thu về 1,5 tỷ USD.
Vietcombank Securities (VCBS) mới đây vừa công bố báo cáo về CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các dự án của doanh nghiệp.
Với dự án sản xuất Chlor-alkali-Vinyl Nghi Sơn giai đoạn 1, Hóa chất Đức Giang đã lùi thời điểm khởi công sang quý IV/2024 do yếu tố pháp lý, đặc biệt là các vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, dự án Nghi Sơn giai đoạn 1 dự kiến sẽ được xây dựng với công suất sản xuất xút đạt 50.000 tấn/năm, hoàn thành vào khoảng quý IV/2025 và có thể hoạt động hết công suất sau 1 năm.
Theo ước tính của VCBS, DGC có thể thu về 1.500-2.000 tỷ đồng doanh thu và 200-250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế từ giai đoạn 1. Ngoài ra, câu chuyện tăng trưởng cũng đến từ giai đoạn 2 và giai đoạn 3, với việc nâng công suất sản xuất xút, sản xuất PVC và các dẫn xuất giá trị cao, với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng.
Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn được phê duyệt thời gian khởi công, lắp đặt thiết bị, chạy thử nghiệm và bàn giao từ quý IV/2024 đến quý I/2026 |
Ở diễn biến mới nhất, ngày 17/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn, đã ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án số 1 - Tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn tại xã Tân Trường và xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, do Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn làm chủ đầu tư.
Theo quyết định, tiến độ dự án được điều chỉnh, bao gồm khởi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, chạy thử nghiệm và bàn giao từ quý IV/2024 đến quý I/2026, với mục tiêu hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý I/2026.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ về khả năng vận hành dự án sản xuất alumin (dự án bauxite - nhôm). Dự kiến dự án sẽ được cấp giấy phép trong 2-3 năm tới và hoàn thành xây dựng sau 2-3 năm. Vì vậy, dự án có thể đi vào hoạt động vào khoảng giai đoạn 2028-2030.
Theo ước tính, với khả năng sản xuất 3 triệu tấn alumin, tập đoàn có thể thu về 1,5 tỷ USD với giá alumin hiện tại, đồng thời dẫn dắt đà tăng trưởng lớn cho Hóa chất Đức Giang.
Siêu dự án bauxite - nhôm (ảnh minh họa) |
Trước đó, hồi giữa năm 2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho Hóa chất Đức Giang nghiên cứu và khảo sát vị trí mỏ bauxite tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, đặt nhà máy chế biến alumin tại huyện Đắk Song.
Quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bauxite/năm, và 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD).
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7/2023, quy hoạch khai thác bauxite tối đa là 118 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Quy hoạch cũng nêu rõ rằng, trong giai đoạn 2021-2030, việc thăm dò, khai thác bauxite phải gắn với chế biến sâu (ít nhất là với sản phẩm nhôm). Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thăm dò, khai thác phải có năng lực thực hiện dự án từ thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và bảo vệ môi trường.
>> Thanh Hóa chốt thời gian khởi công siêu dự án hóa chất 12.000 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam