Doanh nghiệp

Hòa Phát báo tiêu thụ thép cao nhất trong 1 năm - dấu hiệu tích cực từ ngành bất động sản?

Yên Hoàng 12/10/2023 - 07:59

Ngành thép tăng trưởng là tín hiệu tích cực giúp đầu tư công và thị trường bất động sản nhà ở có thể nóng trở lại.

Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh tháng 9/2023 với các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng

7% so với tháng trước. Đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất kể từ tháng 9/2022. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023.

Tuy nhiên, sức tiêu thụ chủ yếu đến từ các dự án trọng tâm như cao tốc Bắc - Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Số liệu thực tế cho thấy rằng nhu cầu thị trường nói chung vẫn chưa có sự phục hồi rõ rệt.

Qua 9 tháng, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát ghi nhận 2,57 triệu tấn, giảm 25% so với 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó thị trường xuất khẩu đóng góp gần 490.000 tấn. Sản phẩm HRC đạt gần 2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2022. Ngoài ra, Hoà Phát còn cung cấp cho thị trường 488.000 tấn ống thép, 240.000 tấn tôn mạ các loại, giảm tương ứng 14% và 3% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, các đơn hàng HRC của Hòa Phát trong 3 quý đầu năm đạt 100% công suất của nhà máy chủ yếu tới từ kênh xuất khẩu, do các lò cao tại châu Âu tạm dừng hoạt động để bảo trì từ tháng 7/2023, khiến các nhà phân phối đẩy mạnh nhập khẩu và tích trữ hàng tồn kho.

Hòa Phát báo tiêu thụ thép cao nhất trong 1 năm - dấu hiệu tích cực từ ngành bất động sản?

Thúc đẩy giải ngân vào các dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành có thật sự lan tỏa sang các dự án đầu tư tư nhân

Theo công bố mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 9 tháng năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công ghi nhận mức 51,38% mục tiêu đã được Chính phủ giao. Con số này tương đương 363.000 tỷ đồng - cao hơn 100.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2022. Quan điểm Chính phủ ngay từ đầu năm là lấy đầu tư công làm động lực kinh tế, thu hút FDI vì vậy 300.000 tỷ đồng đang chờ được giải ngân trong 3 tháng cuối năm sẽ tạo động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các dự án trọng điểm đã được khởi công và đang được theo dõi thực hiện sát sao như dự án Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất (khởi công tháng 12/2022), các dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (khởi công tháng 5/2023), Vành đai 4 tại Hà Nội, Vành đai 3 tại TP.HCM, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công trong tháng 6/2023).

Tuy vậy, với các thách thức hiệu hữu như khả năng giải phóng mặt bằng đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến và tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu ngày càng trầm trọng hơn. Cùng với đó là rủi ro áp lực lãi vay cao hơn so với dự kiến khi phần lớn các nhà thầu đang sử dụng đòn bẩy khá cao.

Thị trường Bất động sản đã tạo đáy thành công

Theo nhận định của các chuyên gia, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, thị trường BĐS đã bị giảm rất mạnh. Sang năm 2023, thị trường vẫn tiếp đà suy giảm, kéo dài đến 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, với sự can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước cùng với chính quyền để vực dậy thị trường, các chính sách pháp lý đang hỗ trợ tốt đã từng bước gỡ khó cho thị trường BĐS.

Thị trường bất động sản liên tiếp đón nhận nhiều chính sách lớn có tác động quan trọng đối với thị trường bất động sản. Đó là Nghị định 08 tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; đề án 338 đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030; Nghị định 10 hướng dẫn Luật đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường Bất động sản đã qua nhưng thách thức vẫn còn rất lớn trong năm 2024

Về cơ bản, thách thức xuất phát từ bên ngoài còn rất rõ như sức cầu yếu, giảm đà tăng trưởng; lạm phát, giá năng lượng, lãi suất còn cao; rủi ro tài chính – tiền tệ cao.

Những điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và du lịch vào Việt Nam. Rủi ro về tài chính liên quan đến tỷ giá, chứng khoản trở nên nhạy cảm hơn so với trước. Tín dụng tăng chậm chứng tỏ sức cầu đang yếu, không đủ khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng dẫn đến tín dụng suy giảm. Đầu tư công tăng tốt nhưng rõ ràng chưa có yếu tố đột phá.

Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt câu chuyện tái cơ cấu (pháp lý, tài chính, nhân sự, đơn hàng…). Rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp BĐS đã giảm nhẹ khi các doanh nghiệp thực hiện gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo giãn nợ ngân hàng theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP. Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản doanh nghiệp BĐS vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn ở các kênh tái cấp vốn cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi tâm lý thị trường.

Tái cân bằng cung cầu trên thị trường BĐS: Nhà ở xã hội định hướng thị trường

Thị trường hiện nay đang diễn ra tình trạng mất cân đối cung cầu, đặc biệt thừa cung ở phân khúc cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung ở phân khúc bình dân, trung cấp. Gói tín dụng ưu đãi cho các dự án Nhà ở xã hội (NƠXH), chính phủ đã cam kết đến năm 2030 sẽ xây dựng hơn 1 triệu căn NƠXH và nhà ở cho công nhân để đáp ứng nhu cầu của phân khúc nhà bình dân và nhà cho người có thu nhập thấp.

NƠXH có thể trở thành phương án “cứu cánh” dòng tiền cho các nhà phát triển BĐS với gói tín dụng lãi suất thấp. Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng giống như “cơn mưa giữa trời nắng hạn”, có thể giải tỏa khó khăn tháo gỡ một phần khúc mắc của thị trường Bất động sản hiện nay.

Siêu dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát (HPG) đón loạt tin vui

Chi hơn 2.200 tỷ vào dự án container 'Made in Vietnam', Hòa Phát (HPG) có lợi thế gì tại sân chơi mới?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hoa-phat-bao-tieu-thu-thep-cao-nhat-trong-1-nam-dau-hieu-tich-cuc-tu-nganh-bat-dong-san-204777.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hòa Phát báo tiêu thụ thép cao nhất trong 1 năm - dấu hiệu tích cực từ ngành bất động sản?
    POWERED BY ONECMS & INTECH