Hoàng Hà Mobile lãi chưa đầy 500 triệu dù doanh thu gần 5.000 tỷ
Hoàng Hà Mobile nổi tiếng với slogan "Nếu những gì chúng tôi không có, nghĩa là bạn không cần".
Hoàng Hà Mobile, một trong những thương hiệu lớn trên thị trường bán lẻ thiết bị di động và sản phẩm công nghệ, vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu gần 4.860 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, mặc dù có doanh thu lớn, công ty lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế rất khiêm tốn và đối mặt với khoản nợ phải trả gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thương mại Hoàng Hà, hay Hoàng Hà Mobile nổi tiếng với khẩu hiệu "Nếu những gì chúng tôi không có, nghĩa là bạn không cần", Hoàng Hà Mobile được biết tới là đơn vị cung cấp các sản phẩm điện thoại chính hãng với mức giá rẻ hơn đối thủ.
Được thành lập năm 1996 tại Hà Nội, bắt đầu từ năm 2004, công ty trở thành nhà phân phối điện thoại di động chính hãng và hợp tác với các thương hiệu lớn như Samsung, OPPO, Nokia, Huawei. Trong khi nhiều hệ thống lớn như FPT Shop và Thế Giới Di Động chủ yếu kinh doanh hàng chính hãng, Hoàng Hà Mobile chọn cách kết hợp bán cả hàng chính hãng và hàng "xách tay," đặc biệt là các dòng sản phẩm iPhone.
Thương hiệu này đã có những bước tiến mạnh mẽ từ năm 2019 khi hợp tác với MobiFone để mở rộng chuỗi cửa hàng, đạt hơn 60 chi nhánh và phủ khắp 30 tỉnh thành. Đến năm 2020, công ty trở thành nhà bán lẻ ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam. Đến năm 2023, mạng lưới bán lẻ của Hoàng Hà Mobile đã mở rộng đến 128 chi nhánh trên toàn quốc.
Theo thống kê của Reputa, Hoàng Hà Mobile nằm trong top 5 các thương hiệu Cửa hàng Điện tử, điện lạnh, viễn thông phổ biến trên MXH năm 2023 cùng với các ông lớn như Điện máy xanh hay FPT Shop.
Top 5 các thương hiệu Cửa hàng Điện tử, điện lạnh, viễn thông phổ biến trên MXH năm 2023. Nguồn: Reputa |
Tuy nhiên, bức tranh tài chính của công ty lại không như kỳ vọng. Số liệu từ VietnamFinance cho thấy, doanh thu năm 2023 của Hoàng Hà Mobile đạt hơn 4.861 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt hơn 445 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 4,58 tỷ đồng của năm 2022. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh thậm chí âm 4,9 tỷ đồng trong năm 2023, cho thấy hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Hoàng Hà Mobile đạt khoảng 1.326 tỷ đồng, nhưng phần lớn đến từ nợ ngắn hạn, với con số lên tới 1.315 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty đã tăng 31,4% so với đầu năm, đạt hơn 1.194 tỷ đồng, trong đó nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tăng lên hơn 370 tỷ đồng. Điều này khiến Hoàng Hà Mobile phải chi ra hơn 24,1 tỷ đồng để trả lãi vay trong năm 2023. Trong khi đó, năm 2022 khoản lãi này 14,4 tỷ đồng và năm 2021 chỉ rơi vào khoảng 7 tỷ đồng.
>> NXB Giáo dục Việt Nam báo lãi kỷ lục giữa 'bão' bê bối nhận hối lộ của cựu Chủ tịch
Đáng chú ý, tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Hoàng Hà Mobile là hơn 131,6 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty đã gấp hơn 9 lần, một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay để duy trì hoạt động.
Từ đầu quý II/2023, dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, xu hướng ''thắt chặt hầu bao'' của người tiêu dùng đã tác động đến rất nhiều ngành hàng, sức mua đối với ngành hàng công nghệ cũng giảm mạnh. Để kích cầu doanh số, các chuỗi bán lẻ đã liên tục giảm giá sản phẩm, tạo nên cuộc chiến giá rẻ vô cùng "khốc liệt". Có thể nói, ông lớn Thế giới Di động (MWG) đã khơi mào cho cuộc chiến về giá nhằm giành giật thị trường. Nhưng hiện tại cho thấy, chiến lược này dã mang lại không ít đau thương cho chính bên khởi xướng và cả những doanh nghiệp cùng ngành, trong đó có Hoàng Hà Mobile.
Một cửa hàng của Hoàng Hà Mobile |
Trong nửa cuối năm, ngành bán lẻ được kỳ kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục nhờ những tín hiệu tích cực từ vĩ mô và mức nền thấp từ năm trước. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương cơ sở, tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết 2024 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Nền kinh tế hồi phục được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân, tâm lý tiêu dùng lạc quan sẽ giúp kích thích chi tiêu trong môi trường lãi suất thấp.
Với ngành hàng bán lẻ ICT, KBSV kỳ vọng giúp tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 có thể kể đến như Chu kỳ thay thế điện thoại, laptop; Dừng phát sóng 2G, 3G. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện tại đã khá bão hoà, cạnh tranh gay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay.