Lũy kế năm 2022, lợi nhuận trước và sau thuế của PRT đi ngang so với năm 2021 do chi phí tài chính tăng mạnh và hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong quý 4.
Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Mã chứng khoán: PRT) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023.
Theo đó, trong quý 4/2022, PRT ghi nhận hơn 424 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 26% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng giảm 13% xuống còn hơn 330 tỷ đồng; lợi nhuận gộp trong quý 4/2022 giảm 52% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo doanh nghiệp, lợi nhuận gộp của quý 4 giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu là do hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade có sự sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, do chưa tìm được đối tác cho thuê bất động sản mới nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của đơn vị này. Bên cạnh đó, việc CTCP Thương mại Tổng hợp Thuận An ngưng hoạt động cây xăng số 4 và cửa hàng Unilever, đồng thời do ảnh hưởng giá nhiên liệu trên thế giới, cụ thể chiến tranh giữa Nga - Ukraine nên hoạt động kinh doanh của công ty này cũng bị ảnh hưởng, lợi nhuận gộp chỉ đạt 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết thúc quý 4/2022, lợi nhuận trước và sau thuế của PRT đều âm 1,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi lần lượt 145,8 tỷ đồng và 112 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của PRT đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với quý 4/2021; giá vốn hàng bán cũng tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp và doanh thu hoạt động tài chính của PRT đều tăng 17%.
Lợi nhuận trước và sau thuế của PRT trong năm 2022 đi ngang so với năm 2021, lần lượt đạt 322 tỷ đồng và 260 tỷ đồng.
Theo doanh nghiệp, có nhiều yếu tố tác động đến lợi nhuận sau thuế quý 4 bị lỗ và chênh lệch so với năm 2021. Chi phí quản lý của Tổng công ty trong quý 4 tăng mạnh so với cùng kỳ, đồng thời các chi phí khác trong qúy 4 cũng tăng mạnh so với năm 2021, nguyên nhân chủ yếu là do CTCP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào ghi nhận chi phí thanh lý 203,4 hecta diện tích đất cao su ngừng chăm sóc. Vì thế, dẫn đến kết quả kinh doanh trong quý 4 và cả năm 2022 đi xuống.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn của PRT còn hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 5,9 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 2,7 nghìn tỷ đồng với mức nợ phải trả là 1,6 nghìn tỷ đồng.
Trên thị trường, trong phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu của PRT đang giao dịch tại mức 11.900 đồng/cp.
Cổ đông chiến lược bán toàn bộ 45 triệu cổ phiếu PRT trong hai tháng
Một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Bình Dương bị cưỡng chế thuế hơn 144 tỷ đồng