Xã hội

Hơn 200 năm trước, Việt Nam huy động 80.000 dân binh làm việc suốt 5 năm, xây dựng ‘Kênh đào thủ công dài nhất khu vực biên giới’

Thái Hà 09/01/2025 13:16

Đây là một công trình vĩ đại với những lợi ích vượt thời gian, góp phần làm nên diện mạo phồn thịnh của ĐBSCL ngày nay.

“Kỳ quan” miền biên viễn

Chạy qua địa phận tỉnh An Giang và Kiên Giang, kênh Vĩnh Tế hiện lên như một dải lụa xanh mềm mại giữa ĐBSCL, mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa và thủy lợi quan trọng. Đây không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch mà còn là minh chứng cho tài năng, sức lao động và sự cần cù của người Việt trong thời kỳ phong kiến.

Hơn 200 năm trước, Việt Nam huy động 80.000 dân binh làm việc suốt 5 năm, xây dựng ‘Kênh đào thủ công dài nhất khu vực biên giới’ - ảnh 1
Kênh Vĩnh Tế có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường thủy. Ảnh: Tổ chức Kỷ lục Việt Nam

Kênh Vĩnh Tế chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, khởi nguồn từ bờ Tây sông Châu Đốc và kéo dài tới sông Giang Thành (thuộc TP. Hà Tiên, Kiên Giang ngày nay).

Theo sử sách triều Nguyễn, năm 1816, sau khi thành Châu Đốc hoàn thành, vua Gia Long nhận định vùng đất này có tiềm năng lớn nếu kết nối được đường thủy tới Hà Tiên. Tuy nhiên, ông chưa ra lệnh đào kênh ngay vì hiểu rằng vùng đất mới mở còn nhiều khó khăn, dân chúng cần ổn định đời sống.

Hơn 200 năm trước, Việt Nam huy động 80.000 dân binh làm việc suốt 5 năm, xây dựng ‘Kênh đào thủ công dài nhất khu vực biên giới’ - ảnh 2
Kênh Vĩnh Tế (chấm đỏ) chạy dọc biên giới Tây Nam qua địa bàn An Giang và Kiên Giang. Ảnh: Google Maps

Phải đến năm 1819, vua Gia Long mới ban lệnh khởi công đào kênh. Sau 5 năm lao động cật lực, năm 1824, công trình hoàn thành. Ước tính trong thời gian đó, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 80.000 dân binh.

Quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, được biết đến với danh xưng Thoại Ngọc Hầu, là người trực tiếp chỉ huy việc đào kênh. Để ghi nhận công lao to lớn của ông, vua Minh Mạng đã đặt tên kênh theo phu nhân của ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế và dựng bia ghi công tại núi Sam (TP. Châu Đốc, An Giang).

Hơn 200 năm trước, Việt Nam huy động 80.000 dân binh làm việc suốt 5 năm, xây dựng ‘Kênh đào thủ công dài nhất khu vực biên giới’ - ảnh 3
Lăng mộ danh thần Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Tế. Ảnh: Viện Kỷ lục Việt Nam

Sử sách ghi lại, để làm cho con kênh được thẳng, người xưa đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây "sào lửa" ấy cho thật ngay hàng, nhóm thợ cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí...

Chuyển đổi theo hệ đo lường ngày nay, kênh Vĩnh Tế có chiều dài 91km, rộng 30m, sâu 2,55m. Tuy nhiên, trừ những đoạn sông rạch sẵn có thì phần phải đào mới chỉ là 37km.

Lợi ích vượt thời gian

Hơn 200 năm trước, Việt Nam huy động 80.000 dân binh làm việc suốt 5 năm, xây dựng ‘Kênh đào thủ công dài nhất khu vực biên giới’ - ảnh 4
Công trình này đã tồn tại suốt hai thế kỷ. Ảnh: Phan Hữu

Nói về lợi ích của con kênh này, sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn viết: “Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”.

Năm 1836 (Minh Mạng thứ 17), cho chạm hình tượng kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, là một đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh, thờ vua Gia Long đặt trước sân Thế miếu (Đại nội Huế).

Suốt hai thế kỷ qua, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt, dẫn phù sa và tống phèn ra biển, phục vụ nông nghiệp tại vùng Tứ giác Long Xuyên - vựa lúa lớn nhất của ĐBSCL.

Ngày nay, kênh Vĩnh Tế là tuyến giao thông thủy sôi động. Ngay đầu kênh Vĩnh Tế, nơi hợp lưu với sông Châu Đốc là trung tâm TP. Châu Đốc (An Giang), đô thị vùng biên sầm uất và đông khách du lịch bậc nhất miền Tây.

Từ Châu Đốc xuôi dòng Vĩnh Tế xuống hạ lưu sông Giang Thành (Kiên Giang), một bên là biên giới Việt Nam - Campuchia, một bên là Quốc lộ N1 lúc nào cũng tấp nập xe cộ qua lại, dưới kênh ghe thương hồ chở lúa, nông sản cũng qua lại dập dìu quanh năm.

Hơn 200 năm trước, Việt Nam huy động 80.000 dân binh làm việc suốt 5 năm, xây dựng ‘Kênh đào thủ công dài nhất khu vực biên giới’ - ảnh 5
Kênh Vĩnh Tế được đánh giá là công trình có ý nghĩa về an ninh quốc phòng, phát triển nông nghiệp, thương mại… Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu

Tháng 11/2024, kênh Vĩnh Tế được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam”. Đây là sự tôn vinh xứng đáng cho một công trình được tạo dựng từ mồ hôi, công sức của hàng vạn người lao động xưa, đồng thời khẳng định vai trò to lớn của kênh trong việc định hình bờ cõi, phát triển kinh tế và khẩn hoang vùng đất Tây Nam Bộ.

Kênh Vĩnh Tế không chỉ là dòng kênh chảy qua vùng biên viễn mà còn là dòng chảy lịch sử, kết nối quá khứ với hiện tại, góp phần làm nên diện mạo phồn thịnh của ĐBSCL ngày nay.

>> Siêu kênh đào quy mô hàng nghìn km lớn bậc nhất thế giới: Hồi sinh những con sông khô hạn hàng thập kỷ, đã đem 77 tỷ m3 nước 'tưới mát' cho hơn 185 triệu dân

Sử dụng máy bay không người lái và Google Earth, phát hiện hệ thống kênh đào 4.000 năm tuổi

Đầu máy xe lửa đâm trúng đuôi tàu chở khách, 2 toa tàu lao xuống kênh đào: Giao thông gián đoạn, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/hon-200-nam-truoc-viet-nam-huy-dong-80000-dan-binh-lam-viec-suot-5-nam-xay-dung-kenh-dao-thu-cong-dai-nhat-khu-vuc-bien-gioi-134379.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hơn 200 năm trước, Việt Nam huy động 80.000 dân binh làm việc suốt 5 năm, xây dựng ‘Kênh đào thủ công dài nhất khu vực biên giới’
    POWERED BY ONECMS & INTECH